Sau hơn 10 năm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, toàn huyện Quảng Xương hiện có trên 2.300 lao động nông thôn được dạy nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 97,4 - 99,7%.
Hiệu quả tích cực
Hiệu quả đào tạo nghề có thể thấy rõ trên địa bàn thôn Đại Đồng, xã Quảng Chính. Nhằm tận dụng thế mạnh về diện tích mặt nước lớn của địa phương, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Quảng Chính được thành lập, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên quy mô lớn.
Đi vào hoạt động từ năm 2017, HTX nhanh chóng thu hút hơn 40 hộ thành viên và người lao động, tổ chức sản xuất trên diện tích trên 170ha.
Nghề nuôi trồng thủy sản đang cho thấy tiềm năng lớn ở Quảng Xương. |
Tham gia HTX, các hộ thành viên được tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng nuôi trồng, đồng thời được hỗ trợ trong các khâu chọn giống, điều hành nước. Đặc biệt, những hộ mới khởi nghiệp còn thiếu vốn sẽ được mua giống, thức ăn theo hình thức trả chậm.
Sở hữu hơn 2ha nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Văn Hiếu, thôn Đại Đồng cho hay, trước đây, khi chưa được dạy nghề, mỗi hộ nuôi lấy giống một nơi nên khó kiểm soát nguồn gốc dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc bơm, tháo nước phục vụ hoạt động nuôi trồng cũng thực hiện một cách tự do, ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ xung quanh.
“Sau khi HTX được thành lập, các hộ được tập huấn kỹ thuật, phát triển mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời HTX hỗ trợ tích cực về tiêu thụ giúp hiệu quả gia tăng đáng kể. Riêng với gia đình tôi, sản lượng thủy sản thu về hàng năm tăng gần 40% so với trước khi được đào tạo”, ông Hiếu phấn khởi nói.
Không chỉ tại các HTX, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Quảng Xương cũng đang phát huy hiệu quả với từng hộ sản xuất cá thể.
Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Văn Thành ở xã Quảng Trung, với kinh nghiệm sẵn có và vận dụng kiến thức đã học ở lớp dạy nghề, các buổi tập huấn nuôi tôm sú, đồng tôm nuôi của gia đình ông luôn cho năng suất, giá trị sản phẩm cao.
Hay như anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Quảng Nham, sau khi tham gia lớp dạy nghề điều khiển tàu cá, được một chủ tàu ở địa phương tiếp nhận, trả lương cao với thu nhập ổn định 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Đào tạo đúng và trúng
Theo đánh giá của UBND huyện Quảng Xương, đội ngũ lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề đã áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ngành nghề được đào tạo vào quá trình sản xuất, đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế gia đình.
Đào tạo nghề nông thôn của huyện Quảng Xương sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. |
Một số ngành nghề có thế mạnh như nghề dệt chiếu tạo việc làm cho gần 1.200 lao động, với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hàng năm ước đạt 240 tỷ đồng; nghề sản xuất chế biến các sản phẩm từ gỗ tạo việc làm cho trên 600 lao động, với trên 1.300 sản phẩm, thu nhập bình quân đạt 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, doanh thu trên 140 tỷ đồng/năm…
Ngoài ra, huyện cũng đã xây dựng được một số mô hình trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn như nghề trồng rau an toàn tại xã Quảng Lưu; đan lát thủ công tại xã Quảng Long và Quảng Yên...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Quảng Xương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm. Đặc biệt, tổ chức đánh giá hiệu quả những chương trình đào tạo đã ban hành, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với nhu cầu thị trường lao động.
Huyện cũng sẽ chủ động phối hợp với các HTX, cơ sở dạy nghề, các công ty, doanh nghiệp và cơ quan sử dụng lao động đánh giá hiệu quả chương trình đào tạo nghề...
Cùng với đó, huyện tăng cường rà soát, thống kê phân loại lao động, để có kế hoạch đào tạo phù hợp cho từng giai đoạn. Đối với các xã, các làng đã có nghề tiếp tục duy trì và phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Nhật Minh