Đặc biệt, công tác đào tạo nghề trên địa bàn xã có dấu ấn đậm nét của các HTX, tổ hợp tác. Không chỉ trực tiếp đào tạo, nâng cao trình độ, các đơn vị còn tiếp nhận, tạo việc làm, chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm do người lao động sản xuất…
Hiệu quả rõ rệt
Sau nhiều năm vật lộn với cuộc sống khó khăn, chị Nguyễn Thị Bông, ấp Vĩnh Hòa, được tạo điều kiện tham gia lớp học nghề đan giỏ xách, chậu, bình hoa bằng lục bình ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hồng Dân.
Dạy nghề hiệu quả giúp nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn ở Vĩnh Lộc (Ảnh TL). |
Sau khi học xong, chị Bông trở thành thành viên liên kết của HTX đan lát lục bình Quyết Tâm ở xã Vĩnh Lộc. Nhờ có tay nghề vững, có thể làm ra nhiều sản phẩm đan lát có độ khó cao, mẫu mã đẹp, chị có thu nhập ổn định 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Không chỉ có chị Bông, HTX đan lát lục bình Quyết Tâm cũng đang tạo việc làm cho hơn 300 lao động trong và ngoài địa bàn, với mức thu nhập bình quân 3 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Đại diện HTX cho biết, thời gian qua, cùng với sự đồng hành của địa phương, đơn vị đã tích cực tham gia công tác đào tạo nghề, giải quyết số lượng lớn lao động nhàn rỗi trên địa bàn, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Định hướng của HTX trong thời gian tới là tiếp tục đào tạo nghề cho người dân và sáng tạo ra những mẫu mã mới kết hợp mở rộng sang làm thêm các sản phẩm từ dây nhựa, cói, bẹ chuối… để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Một điển hình khác trong công tác đào tạo nghề xã Vĩnh Lộc là Tổ hợp tác phân loại túi nilon của Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa. Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5/2015, Tổ hợp tác đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, phụ nữ phân loại xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình.
Hiện, trung bình mỗi tuần, Tổ hợp tác xuất bán 1,5 - 3 tấn túi nilon đã qua sử dụng cho các đầu mối thu gom ở Tp. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 10 chị em phụ nữ trong ấp.
Công việc chính hàng ngày của các thành viên trong Tổ hợp tác là thu gom, phân loại túi nilon và cắt bỏ các dòng chữ, nhãn mác in trên túi để tạo ra nguồn hàng trắng nguyên chất. Công việc này giúp cho mỗi chị có thu nhập trung bình 2,7 - 3 triệu đồng/tháng.
Đẩy mạnh nhân rộng
Theo UBND xã Vĩnh Lộc, thời gian qua, xã đang duy trì tốt nghề đan lục bình, đan dây nhựa với trên 300 lao động. Các mô hình này đã giải quyết số lượng lớn lao động nhàn rỗi trên địa bàn, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành tiêu chí giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Các mô hình dạy nghề trên địa bàn xã sẽ tiếp tục được nhân rộng (Ảnh TL). |
Vĩnh Lộc là xã dựa nhiều vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Do vậy, công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm được xem là một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoạt động đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ trên địa bàn xã đạt hiệu quả cao, nhiều học viên sau học nghề có việc làm ổn định, nổi bật với các nhóm nghề như: đan lát lục bình, nghề đan giỏ nhựa,... Sau đào tạo, hầu hết lao động có việc làm tại chỗ, có HTX, tổ hợp tác thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Với thành công trên, trong thời gian tới, xã sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tăng cường các khóa tập huấn để nâng cao trình độ cho người lao động tại địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tổ hợp tác để tạo thêm các việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân.
Hưng Nguyên