Các lớp đào tạo nghề được triển khai linh hoạt ở Mai Sơn |
Thời gian qua, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân trên địa bàn.
Chú trọng lao động thanh niên
Tính đến năm 2018, toàn huyện trên 141.000 lao động tại vùng nông thôn, trong đó, 90,3% lao động nông nghiệp, 9,7% lao động phi nông nghiệp. Nguồn lao động dồi dào, nhưng chất lượng còn nhiều hạn chế, do tỷ lệ lao động qua đào tạo không cao, năng suất lao động chưa hiệu quả, nhiều lao động chưa đáp ứng được trình độ chuyên môn, kỹ thuật của các doanh nghiệp, HTX đã đổi mới theo Luật HTX 2012...
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả khả quan, huyện Mai Sơn đã chú trọng thu hút đào tạo nghề lao động thanh niên, từ đó tạo điều kiện, nền tảng để họ lập thân, lập nghiệp trên quê hương. Lao động thanh niên cũng dễ ứng dụng KHKT trong phát triển sản xuất.
Chính vì vậy, các cơ sở đào tạo nghề đã liên kết chặt chẽ với Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn theo dõi và nắm bắt chặt chẽ tình hình lao động - việc làm của thanh niên, nhất là lao động nông thôn, thiếu hoặc mất việc để có biện pháp đào tạo nghề kịp thời.
Các lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn được tổ chức linh động ở các vùng khác nhau như: vùng có đất giải toả làm khu công nghiệp, vùng dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, thanh niên xung phong, người sau khi cải tạo trở về địa phương... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lao động là thanh niên nông thôn có thể tham gia đầy đủ toàn bộ các lớp học.
Đồng thời, các cấp bộ đoàn tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm; chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động “Thanh niên với nghề nghiệp”, “Giúp bạn chọn nghề”, “Thắp sáng ước mơ”,... mở lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường...
Các cơ sở dạy nghề ở Mai Sơn còn chú trọng tư vấn, lựa chọn ngành nghề phù hợp cho các lao động ở từng địa phương. Các mô hình dạy nghề chủ yếu là trồng rau màu, cây ăn quả, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng, xây dựng, chăn nuôi gia súc, kỹ thuật trồng nấm, chăn nuôi thú y, nhân giống cây ăn quả…
80% lao động có việc làm
Theo Phòng LĐTBXH huyện, từ 2011 đến nay, huyện đã tuyên truyền, phổ biến chính sách, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn tại 22 xã, thị trấn cho gần 9.200 lao động, trong đó lao động là thanh niên và đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn (94-95%). Khoảng 80% lao động sau đào tạo nghề được giới thiệu việc làm hoặc tự phát triển sản xuất.
Để hỗ trợ cho lao động, huyện còn tạo điều kiện cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm gần 98 tỷ đồng, đồng thời phối hợp với các đơn vị tuyển lao động đi làm việc trong và ngoài nước. Đồng thời, tư vấn cho lao động lựa chọn hoặc tự tạo việc làm tại chỗ, hình thành tổ hợp tác, HTX tại cộng đồng từ đó hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hoặc tìm việc làm tại doanh nghiệp.
Nhiều mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ hoạt động hiệu quả |
Hầu hết số lao động tự tạo việc làm bước đầu có thu nhập, tạo sự khích lệ đối với người học nghề. Số lao động nông thôn là thanh niên tốt nghiệp tự tạo được việc làm chiếm tỷ lệ khá cao so với trước đây, thu nhập người lao động bước đầu được cải thiện, đời sống gia đình được nâng cao.
Bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả do thanh niên làm chủ xuất hiện, như: mô hình sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm của đoàn viên Lò Văn Duyên, bản Lọng Khoang, xã Hát Lót lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động.
Cũng bằng sự năng động trong nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, HTX Nông nghiệp xanh 26/3 do chị Phạm Diệu Vân, Bí thư chi đoàn thành phố làm Giám đốc. HTX đã thu hút tất cả đoàn viên thanh niên trên địa bàn phường cùng sản xuất. Đến nay, HTX có vườn 4 vườn rau rộng 7,5 ha (3 vườn đủ điều kiện sản xuất an toàn), doanh thu 1,2 tỷ đồng. Sản phẩm của HTX hiện không chỉ cung cấp cho các trường học, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố, mà còn cung cấp cho một số siêu thị, cửa hàng rau củ quả ở Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội.
Tại Sơn La, HTX đã mở các điểm bán hàng tại chợ 7/11, Rặng Tếch, chợ Trung tâm, chợ Gốc Phượng và chợ Chiềng An. HTX nhận giao hàng đến tận nhà đối với khách hàng ở gần. Đến nay, HTX có 8 thành viên, tạo việc làm ổn định cho 19 đoàn viên thanh niên, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Như Yến