Công tác dạy nghề tại Ninh Thuận đang có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành địa phương |
Công tác dạy nghề nông thôn được đẩy mạnh tại Ninh Thuận từ năm 2015. Đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công gần 100 lớp dạy nghề, đào tạo cho gần 3.000 học viên, nông dân, thành viên HTX. Đặc biệt, trong quá trình đào tạo, lực lượng lao động người dân tộc, hộ nghèo được đặc biệt quan tâm.
Đẩy mạnh liên kết
Những thành công trong đào tạo nghề tại Ninh Thuận là kết quả của quá trình liên kết, phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành của tỉnh, tạo ra môi trường dạy và học hiệu quả, đảm bảo nhu cầu học nghề của người dân, đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường.
Điển hình, tại các lớp đào tạo, Trung tâm dạy nghề tỉnh đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi... để huy động lực lực lượng giáo viên thỉnh giảng có trình độ cao, bổ sung kiến thức thiết thực cho học viên, nông dân, thành viên HTX.
Sự liên kết, phối hợp hiệu quả giữa các cấp Hội Nông dân và Liên minh HTX tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ thành lập được 32 HTX, 290 tổ hợp tác. Đặc biệt, các thành viên tham gia HTX, tổ hợp tác sẽ được hưởng nhiều chính sách về vốn, học nghề và được tổ chức đi tham quan, học hỏi tại các mô hình điểm.
Cụ thể như về vốn vay, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp với ngân hàng CSXH và ngân hàng NN&PTNT tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ vốn sản xuất, khởi nghiệp cho nông dân, thành viên HTX sau khi học nghề.
Đến nay, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giải ngân 20,838 tỷ đồng cho 916 hộ vay, triển khai 94 chương trình, dự án. Dư nợ cho vay ngân hàng CSXH đạt 538,8 tỷ đồng, cho 19.470 hộ hội viên, nông dân; doanh số cho vay ủy thác qua Hội Nông dân của ngân hàng NN&PTNT đạt 1.154 tỷ đồng, cho 21.901 hộ vay.
Sự liên kết giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp cũng đang đem lại hiệu quả thiết thực. Đơn cử, năm 2018, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với công ty Enzyma tập huấn chuyển giao sử dụng chế phẩm BiOWiSH trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho 700 nông dân, thành viên HTX.
Các HTX, tổ hợp tác đang làm tốt công tác đào tạo nghề |
Nâng cao hiệu quả
Sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các sở ngành, doanh nghiệp, HTX đang giúp phần lớn nông dân đã qua đào tạo nghề đã phát huy được những kiến thức cơ bản vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, làm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập gia đình.
HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) thành lập vào tháng 6-2016, ban đầu chỉ có 13 thành viên, đến nay phát triển lên 63 thành viên.
Năm 2017, được sự hỗ trợ của ngành chức năng, chính quyền địa phương, HTX triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh, quy mô 20 ha, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, giống mới, sử dụng phân bón hữu cơ, cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với hình thức canh tác truyền thống trước đây.
Anh Hùng Ky, Giám đốc HTX, cho biết: “Kết quả trên là nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ về vốn, đào tạo nghề của các cấp, ngành và sự nỗ lực của thành viên HTX. Thời gian tới, HTX tiếp tục tăng cường liên kết với các doanh nghiệp để nhận được sự hỗ trợ về giống, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho thành viên.
HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cũng đã đẩy mạnh liên kết hai chiều, giữa HTX với nông dân và HTX với doanh nghiệp.
Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao phục vụ người tiêu dùng trong cả nước, HTX phối hợp với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, để dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật bao trái trên quy mô 5 ha cho thành viên, nông dân.
Nhờ hiệu quả trong dạy nghề, nâng cao trình độ, liên kết sản xuất, tiêu thụ, năng lực sản xuất hiện tại của HTX là 24 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn nho, doanh thu đạt 5 tỷ đồng.
Sáu Ngạn