Các HTX toàn thôn ở Hà Giang đang cho thấy hiệu quả cao trong dạy nghề cho lao động nông thôn |
Hiệu quả của HTX thôn Chang như “phát pháo lệnh” khởi đầu cho hàng loạt mô hình hiệu quả khác của tỉnh Hà Giang như HTX toàn thôn Quang Tiến, xã Quang Minh và HTX thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang), HTX thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ (huyện Yên Minh), HTX thôn Nà Sài, xã Đông Hà (huyện Quản Bạ)…
Hiệu quả vượt trội
Đại diện UBND tỉnh Hà Giang cho biết nhân rộng mô hình HTX nông - lâm nghiệp toàn thôn là chủ trương lớn trong phát triển kinh tế, xã hội ở Hà Giang. Khác với mô hình tổ hợp tác, HTX trước đây, HTX toàn thôn được thành lập dựa trên những phương án sản xuất mang tính triển vọng cao.
HTX vừa tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề, hỗ trợ hộ gia đình thành viên phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, đồng thời làm các nhiệm vụ của bộ máy lãnh đạo quản lý thôn, đảm bảo các vấn đề môi trường, an toàn lao động, an ninh trật tự xã hội…
Kể từ năm 2015 đến nay, Hà Giang có thêm hàng loạt mô hình điểm, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa phát huy năng lực đào tạo nghề cho người dân, điển hình như HTX chế biến rượu ngô men lá truyền thống tại xã Thanh Vân (huyện Quản Bạ); HTX chế biến chè Phìn Hồ xã Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì)…
HTX Rau an toàn 20-10 (xã Quyết Tiến, Quản Bạ, Hà Giang) đang là điểm tựa sản xuất của hơn 70 hộ trồng rau, hoa tại địa phương. Nhờ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, hằng năm, HTX tổ chức thu mua hơn 200 tấn rau cho thành viên, người dân, doanh thu bình quân đạt trên 2 tỷ đồng.
Trong quá trình sản xuất, HTX luôn chú trọng hoạt động đào tạo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Theo đó, 100% thành viên HTX hiện đã nắm vững quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP. Không ít hộ gia đình xây dựng mô hình rau hữu cơ hiện đại, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
HTX sản xuất cam VietGAP xã Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang), với sản lượng trung bình từ 18 - 20 tấn quả/ha, giá cam bán tại vườn luôn duy trì mức 15.000 - 20.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cao hơn gấp nhiều lần trồng ngô, lúa…
HTX đang tạo việc làm ổn định cho hơn 20 hộ thành viên, người lao động địa phương. Ngoài ra, trong những năm qua, HTX tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để mở các lớp dạy nghề, tạo điểm tựa giúp hàng trăm hộ nông dân trong và ngoài địa phương khởi nghiệp thành công.
HTX sẽ là nhân tố chủ lực giải quyết bài toán việc làm tại khu vực nông thôn ở Hà Giang |
Tiếp tục nhân rộng
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là tôn chỉ hoạt động của các HTX toàn thôn tại Hà Giang. Trong đó, vấn đề dạy nghề, tạo việc làm trong các HTX được các cấp, ngành địa phương và bản thân các HTX đặc biệt quan tâm.
Những năm qua, các HTX được khuyến khích và hỗ trợ tích cực để mở các lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Qua các lớp tập huấn, đào tạo nghề, các phương thức sản xuất mới, sản xuất an toàn được cập nhật và đưa vào áp dụng hiệu quả tại các HTX.
Ông Sùng Đại Hùng – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang, cho biết: “Với lực lượng lao động trẻ chiếm trên 64% dân số, trong đó, độ tuổi 15-35 chiếm 30%, tỉnh xác định phát triển đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một trong những giải pháp cơ bản, mang tính bền vững”.
“Các HTX nông nghiệp sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để tỉnh tăng hiệu quả đào tạo nghề, nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo. Vì vậy, tỉnh đang tích cực hình thành liên kết giữa địa phương, doanh nghiệp và HTX, đồng thời, đẩy mạnh nguồn lực hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả của các HTX”, ông Hùng tiếp tục.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở LĐ-TB&XH Hà Giang đã chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp, HTX tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho hơn 5.100 lao động; toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho hơn 13.200 lao động; đưa hơn 400 người đi xuất khẩu lao động…
Rõ ràng, các giải pháp triển khai đồng bộ thông qua cơ chế, chính sách mới, linh hoạt, cùng sự tham gia tích cực của các HTX, doanh nghiệp đang là lời giải cho bài toán việc làm, tạo “cú hích” trong các chương trình đào tạo nghề của tỉnh.
Hưng Nguyên