Theo thống kê, sau 5 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020”, Kiên Giang đã đào tạo nghề cho 60.639 lao động, trong đó, số lao động thuộc nhóm 1 gồm người có công, hộ nghèo, người dân tộc, tàn tật, hộ bị thu hồi đất canh tác là 21.977 lao động; hộ cận nghèo là 4.307 lao động...
Đa dạng nghề đào tạo
Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, trong những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tập trung đào tạo các nghề nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học, với các ngành nghề đa dạng như trồng màu, rau, lúa chất lượng cao, chăn nuôi heo, gà, trâu, bò, cá lồng bè, hoa kiểng, tôm - lúa, rắn ri voi, hổ hèo…
Công tác đào nghề trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang tạo khác biệt nhờ các chủ trương đầy sáng tạo và chủ động như đào tạo theo yêu cầu của hội viên, nông dân thông qua sinh hoạt chi, tổ hội nên phù hợp với nhu cầu thực tế của hội viên, nông dân. Sau khi học nghề, hội viên, nông dân có thể áp dụng ngay tại gia đình mình.
Các dự án đào tạo nghề do tỉnh đầu tư được gắn với công tác xây dựng, củng cố và phát triển mô hình kinh tế hộ, tổ hợp tác, HTX… qua đó, tạo hiệu quả thiết thực ngay sau khi hoàn thành lớp học.
Cụ thể, trong những năm qua, Trung tâm đã đào tạo nghề gắn với hỗ trợ mô hình dự án như: Kỹ thuật chăn nuôi gà và các phương pháp trị bệnh; kỹ thuật nuôi bò; trồng hoa kiểng; trồng rau an toàn; trồng lúa chất lượng cao; mô hình trồng rau dùng hệ thống tưới phun và tưới nhỏ giọt sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm.
Trong 5 năm, tỉnh đã thực hiện trên 510 điểm trình diễn mô hình khuyến nông với tổng số vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng. Một số mô hình hỗ trợ như: Dự án nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa tại hai xã vân Khánh Tây, Đông Hưng (huyện An Minh); dự án một vụ tôm - một vụ lúa tại xã Tân Thạnh (huyện An Minh); mô hình nuôi bò vỗ béo tại Mỹ Phước, thị trấn Hòn Đất; mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc, trồng bơ ở xã Hòn Tre (huyện Kiên Hải); nuôi nghêu ở Hà Tiên…
Kiên Giang đang phát huy hiệu quả dạy nghề nhờ gắn đào tạo với nhu cầu thị trường |
Nâng cao hiệu quả
Được biết để nâng cao hiệu quả dạy nghề, Trung tâm đào tạo nghề tỉnh đã phối hợp với các đơn vị như công ty TNHH Điền Tín, công ty dịch vụ Nông nghiệp Huỳnh Hoa, công ty Vĩnh Lợi, công ty Vạn Trường Phát; HTX thu mua nông sản hữu cơ…
Trên nền tảng đã có, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Kiên Giang chủ động đào tạo lao động gắn với nhu cầu thị trường, nhu cầu của địa phương và người học, đồng thời, đẩy mạnh dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và đào tạo tay nghề cao cho lao động.
Các địa phương, cơ sở đào tạo nghề thực hiện ký hợp đồng dạy nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh có hiệu quả, nhất là tại các HTX, tổ hợp tác, khu, cụm công nghiệp và khu du lịch của tỉnh.
Trong hàng loạt các giải pháp được đựa ra, thực tế cho thấy các HTX, tổ hợp tác đang đóng góp tích cực trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tỉnh Kiên Giang.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, tỉnh thành lập mới 13 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn tỉnh lên 413 đơn vị, trong đó, có 365 HTX nông nghiệp, với tổng vốn điều lệ hơn 130 tỷ đồng, tổng diện tích đất canh tác gần 57 nghìn ha, tạo việc làm ổn định cho hơn 8.500 lao động.
Đơn cử, HTX Nông sản hữu cơ Kiên Giang được thành lập năm 2018, chuyên sản xuất rau thủy canh và liên kết với nông dân sản xuất lúa hữu cơ. Mỗi tháng, HTX cung cấp gần 1 tấn rau các loại, 4 tấn gạo hữu cơ và đặc biệt đang tạo việc làm cho 12 hộ thành viên và 20 lao động tại địa phương.
Sáu Ngạn