HTX thủ công mỹ nghệ Mây tre đan Thanh Tân, xã Thanh Tân đang là một trong những điển hình trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn huyện Kiến Xương. Những năm qua, HTX đã kết hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Hội phụ nữ xã để tổ chức lớp học, truyền nghề cho hàng trăm lao động.
Tạo nhiều việc làm
Bà Nguyễn Thị Doan, Giám đốc HTX Thanh Tân cho hay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ mây, tre ở trong và ngoài nước ngày một tăng nên việc tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng thuận lợi hơn.
Trước đây, HTX chỉ có 3 - 5 lao động, chủ yếu là những người thân quen làm việc, thì đến nay đã thu hút được 60 thành viên, đồng thời liên kết với lao động trong xã và các địa phương lân cận cùng sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Các HTX đang tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn Kiến Xương (Ảnh Tl). |
Nghề mây tre đan vốn là công việc nhẹ nhàng, nhưng muốn tạo được niềm tin với thành viên và người lao động để họ làm việc lâu dài và tận tâm là chuyện không hề đơn giản.
Chính vì vậy, khi đi vào hoạt động, những người đứng đầu HTX luôn năng động tính toán, tăng cường liên doanh liên kết trong đầu ra cũng như tạo cơ hội việc làm cho các thành viên và người lao động.
Hiện, thành viên và người lao động trong HTX có độ tuổi chủ yếu từ 30 - 45, một số phụ nữ lớn tuổi nhưng có kinh nghiệm cũng được nhận vào làm. Lực lượng tham gia sản xuất không chỉ trên địa bàn xã, mà còn mở rộng thu hút lao động của các xã khác trong huyện.
Người lao động HTX Thanh Tân từ chỗ có thu nhập chỉ từ vài trăm nghìn đồng/tháng, đến nay đã tăng lên 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của HTX đạt từ 4 - 5 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
HTX không chỉ giúp chị em có việc làm, tăng nguồn thu nhập phát triển kinh tế, mà còn giúp họ không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chăm sóc, tổ chức cuộc sống gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hiếu, người lao động của HTX cho biết, khi tham gia sản xuất tại HTX, chị và mọi người đều được đào tạo nghề miễn phí và tạo việc làm với thu nhập khá ổn định. Công việc ở đây tuy đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, nhưng không quá áp lực. Chị có thể tranh thủ được nhiều thời gian lúc nông nhàn mà vẫn có điều kiện để chăm sóc gia đình và con cái.
Dạy nghề gắn với thực tế
Bên cạnh HTX Thanh Tân, có thể kể đến HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Định hiện thu hút được gần 2.000 thành viên, hộ liên kết, xây dựng thành công 6 vùng cánh đồng lớn chuyên sản xuất nông sản sạch với lúa là cây chủ lực, tổng diện tích trên 300 ha.
Đại diện HTX Bình Định cho biết, cùng với sự hỗ trợ từ địa phương, HTX đang liên kết với doanh nghiệp để mở nhiều khóa dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo kỹ năng sử dụng máy móc cho thành viên, nông dân liên kết.
Kiến Xương sẽ chủ động nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề (Ảnh Tl). |
Thống kê cho thấy, kể từ năm 2018 đến nay, HTX đã tổ chức hàng chục buổi tập huấn, thu hút hơn 1.000 lượt lao động tham gia. Không chỉ có thành viên HTX, mà nông dân địa phương cũng được hưởng lợi từ chương trình tập huấn. Nhiều lao động sau khi tham gia tập huấn đã xây dựng thành công mô hình sản xuất của gia đình.
Đào tạo nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc” đang giúp thành viên HTX phát triển sản xuất hiệu quả, giá trị bình quân đạt 110 - 120 triệu đồng/ha/năm. Trung bình mỗi năm, HTX tổ chức bao tiêu trên 2.100 tấn nông sản cho thành viên và hộ liên kết.
Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Kiến Xương, khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn đang có những bước tiến vượt bậc, đóng góp tích cực vào công tác dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.
Toàn huyện Kiến Xương hiện có gần 40 HTX hoạt động hiệu quả, bình quân mỗi HTX có 1.000 - 2.000 lao động thành viên, hộ liên kết.
Nhờ làm tốt công tác dạy nghề, trình độ của lao động trong các HTX ngày càng được cải thiện, trên 30% lao động đã nắm bắt kiến thức cơ bản về sản xuất công nghệ cao như sản xuất trong nhà kính, ứng dụng tưới nhỏ giọt, sử dụng thành thục các phương tiện máy móc hiện đại…
Để nâng cao hiệu quả của công tác dạy nghề, trong thời gian tới, huyện Kiến Xương dự kiến mở thêm nhiều lớp dạy nghề, khóa tập huấn, chú trọng giải quyết những tồn tại hạn chế. Củng cố vai trò của các HTX, doanh nghiệp trong liên kết đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực, tạo việc làm cho lao động sau học nghề.
Nhật Minh