Anh Hoàng Văn Việt ở thôn Đông Bình, xã Tam Giang chia sẻ, sau nhiều năm vật lộn đi làm thuê, làm mướn thời vụ, đến khi được tạo điều kiện tham gia học nghề chăn nuôi lợn sinh sản và mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, kinh tế gia đình anh mới dần khởi sắc, từng bước nâng lên.
Tự tin hơn sau học nghề
Sau khóa học nghề, anh Việt mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 20 con lợn nái ngoại GF24 với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Nhờ kiến thức học được từ lớp đào tạo nghề và sự nỗ lực học hỏi kinh nghiệm của bản thân, nên việc chăn nuôi của anh có nhiều thuận lợi, thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Có kiến thức sau học nghề giúp nhiều nông dân tự tin xây dựng mô hình sản xuất riêng, hiệu quả (Ảnh TL). |
Việc đào tạo nghề không chỉ giúp các gia đình tự phát triển sản xuất, mà còn tạo điều kiện cho các nhóm hộ có được các mô hình kinh tế thành công. Đặc biệt là việc liên kết của người dân trong xã sau khi học nghề đã hình thành các HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh với quy mô vốn lớn, làm ăn hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm ổn định.
Điển hình, HTX tổng hợp Thuận An đang là đơn vị hoạt động tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, đồng thời giúp người dân trong việc bao tiêu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, yên tâm sản xuất.
Mấy năm về trước, gia đình bà Đỗ Thị Lý, xã Bình Giang chủ yếu chỉ trồng khoai lang và một ít lúa, thu nhập không đáng kể, cuộc sống khó khăn. Năm 2019, bà Lý đã chuyển qua trồng đậu phụng (đậu phộng) và cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Theo bà Lý, với hơn 1 ha trồng đậu phụng, khi thu hoạch được HTX Thuận An bao tiêu sản phẩm đầu ra nên gia đình bà không phải lo lắng. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất, HTX đứng ra tập huấn, dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật, giúp các hộ liên kết nâng cao năng suất.
“Từ khi chuyển sang trồng đậu phụng, gia đình thấy có hiệu quả hơn, mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Là thành viên HTX Thuận An nên đậu phụng các hộ thu hoạch được bao nhiêu, HTX đều bao tiêu hết nên chúng tôi rất yên tâm”, bà Lý chia sẻ.
Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX Thuận An đã đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất dầu đậu phụng theo hướng hiện đại. Bước đầu, HTX thực hiện thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu sạch trên diện tích 35 ha đất tại xã Tam Giang, bằng cách liên kết sản xuất với nông dân địa phương, thu mua và chế biến sản phẩm...
Dạy nghề theo nhu cầu
Ông Phan Văn Đào, Phó Giám đốc HTX Thuận An cho biết, về lâu dài, HTX sẽ đẩy mạnh dạy nghề, tập huấn giúp nông dân ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất như tưới tiêu nước hợp lý, hạn chế thuốc hóa học, sử dụng chế phẩm sinh học.
Xã sẽ tạo điều kiện để người lao động được tham gia các khóa học nghề của huyện, tỉnh tổ chức (Ảnh TL). |
Đồng thời, HTX tích cực hỗ trợ giống, phân bón an toàn, trang thiết bị phục vụ sản xuất, hoàn thiện hệ thống bao bì, nhãn mác, đăng ký thương hiệu…, từ đó nâng cao giá trị canh tác cho thành viên, hộ liên kết.
Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay, HTX đã tổ chức dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hơn 30 hộ liên kết, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ với mức lương bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh dạy nghề nông nghiệp, trong bối cảnh đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, xã Tam Giang đang tranh thủ nhiều nguồn lực để đào tạo các nghề phi nông nghiệp, đồng thời liên kết với các HTX, doanh để giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo.
Điển hình như mô hình đào tạo nâng cao tay nghề mây tre đan đã thu hút hàng trăm lao động học nghề trong 3 năm qua. Trong thời gian 2 tháng, học viên được học lý thuyết và thực hành về kỹ thuật làm mây tre, từ khâu chế biến nguyên liệu đến khâu làm khung, đan lát, xử lý kỹ thuật, tiếp cận những kỹ thuật và những sản phẩm mới về mây tre đan để cho ra đời các sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng trong nước và xuất khẩu.
Theo UBND xã Tam Giang, trong thời gian tới, mục tiêu của xã là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 70%, 100% lao động được đào tạo sẽ có việc làm ổn định, lâu dài. Trong thời gian dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, xã tạo điều kiện cho người lao động tham gia học nghề trực tuyến, qua các kênh thông tin.
Đáng chú ý, xã sẽ đặc biệt quan tâm đào tạo nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó chú trọng lao động trẻ, chưa có việc làm ổn định hoặc có thu nhập thấp, lao động phổ thông trong nông nghiệp.
Mỹ Chí