Qua 10 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các chỉ tiêu đào tạo nghề hàng năm của huyện Thạnh Phú đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt hơn 60% (tăng mạnh so với mức hơn 25% vào năm 2010), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 30,7%.
Có nghề là có thu nhập
Là một trong 3 huyện duyên hải của tỉnh Bến Tre, Thạnh Phú hiện đang có các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả như nghề bó chổi ở làng nghề xã Mỹ An, nghề may công nghiệp ở các xã Thạnh Phong, An Quy, Mỹ An, Quới Điền…
Nghề bó chổi ở Mỹ An đang tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn (Ảnh TL). |
Tại làng nghề xã Mỹ An, nghề bó chổi cọng dừa vốn đã có từ lâu và luôn duy trì hoạt động truyền nghề. Hiện tại, làng có hơn 80 cơ sở sản xuất chổi cọng dừa với quy mô lớn, giải quyết việc làm cho 620 - 650 lao động nhàn rỗi tại địa phương, doanh thu đạt được 22 - 25 tỷ đồng/năm.
Hàng năm, làng nghề bó chổi Mỹ An cho ra thị trường hơn 1 triệu sản phẩm các loại, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tp.HCM…
Những năm qua, nghề bó chổi cọng dừa ở Mỹ An phát triển mạnh, có thị trường tiêu thụ ổn định, đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của xã; cuộc sống của lao động địa phương cũng được nâng lên đáng kể.
Điển hình như các chị Trần Thị Tuyết, Trần Thị Hồng và vợ chồng anh Huỳnh Văn Bình, từ chỗ không có đất để ở, không có việc làm ổn định đã vươn lên trở thành chủ cơ sở sản xuất trong làng nghề Mỹ An và tạo việc làm cho hàng chục lao động khác.
Mỹ Hưng cũng là một trong những xã điển hình của huyện Thạnh Phú trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hiện, nghề chế biến món ăn từ tép của Tổ hợp tác tép rang dừa Mỹ Hưng đang tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Nâng cao hiệu quả đào tạo
Chị Trần Thị Diền, Tổ trưởng Tổ hợp tác tép rang dừa Mỹ Hưng cho hay: “Ở Mỹ Hưng, con tép thiên nhiên rất dồi dào, dừa có chất lượng. Tuy nhiên, sản phẩm tép rang dừa chưa có trên thị trường nên chị em mới có ý tưởng liên kết phát triển nghề chế biến món ăn này để nâng cao thu nhập”.
Thạnh Phú sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề để tạo việc làm cho lao động nông thôn (Ảnh TL). |
Đến nay, sản phẩm đã được nhiều người biết đến, cơ sở tép rang dừa Mỹ Hưng đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Bến Tre cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện quan trọng, có tính quyết định để nâng tầm thương hiệu và đưa sản phẩm tép rang dừa vươn xa hơn ra thị trường.
Nhờ hoạt động tốt, Tổ hợp tác được ban, ngành tỉnh hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất, thiết bị máy móc để sản xuất thành phẩm. Giá trị mô hình đã "thắp lửa" cho hộ nghèo, cận nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.
Cùng với Mỹ Hưng, các xã khác trong huyện Thạnh Phú xác định việc phát triển kinh tế hợp tác tiếp tục là xu thế chung của huyện và được gắn liền vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Do đó, huyện Thạnh Phú tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả và tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ; hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.
Nguồn nhân lực của huyện Thạnh Phú trong độ tuổi lao động được đánh giá là khá đủ để đáp ứng cho các dự án thuộc thế mạnh của huyện. Thời gian tới, huyện sẽ tiến hành rà soát nhu cầu cần đào tạo, ưu tiên chọn những ngành nghề phù hợp, có khả năng huy động học viên tham gia và có khả năng giải quyết việc làm sau học nghề để tổ chức đào tạo trong năm.
Dự kiến năm 2021, huyện sẽ triển khai 15 - 20 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho lao động nông thôn. Trong thời gian tổ chức dạy nghề, huyện sẽ nắm bắt nhu cầu cần chuyển đổi nghề hoặc thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX sản xuất, giúp người học có việc làm ngay sau học nghề.
Hưng Nguyên