Là địa phương có địa bàn rộng, dân cư đông, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhu cầu lao động cần được đào tạo nghề luôn bức thiết ở Kim Bôi. Theo đó, hàng năm, huyện đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo theo thực tế.
Tạo việc làm ổn định
Gia đình ông Bùi Văn Chanh, ở xóm Tre Thị, xã Xuân Thủy trước đây chỉ biết sản xuất nông nghiệp thuần túy, chăn nuôi theo kiểu truyền thống, công việc vất vả nhưng thu nhập khá thấp.
Dạy nghề hiệu quả tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân khu vực nông thôn (Ảnh TL). |
Năm 2019, sau khi được tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ bệnh cho lợn theo Đề án 1956, hiệu quả chăn nuôi của gia đình ông Chanh đã được nâng lên đáng kể. Hiện, khu chăn nuôi của ông đang duy trì 3 con lợn nái, 20 con lợn thịt, thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm.
Ông Chanh chỉ là một trong nhiều trường hợp ở huyện Kim Bôi phát huy được nghề đã học, từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Đáng chú ý, công tác đào tạo nghề ở Kim Bôi đang có sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác.
Đơn cử, trong thời gian qua, bên cạnh lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất tinh dầu sả, HTX dịch vụ nông nghiệp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn đã thành lập thêm xưởng may để tổ chức lao động may gia công cho một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Hà Nội.
Xuất phát từ nhu cầu của lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện đã phối hợp với HTX trong việc hỗ trợ dạy nghề, kết nối việc làm cho người dân địa phương.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề may công nghiệp, 28/28 học viên đã được nhận vào làm việc tại xưởng may gia công của HTX. Mức lương tối thiểu của công nhân tại xưởng đạt 6 - 8 triệu đồng/người/ tháng. Riêng tháng cao điểm Tết Nguyên đán, thu nhập của người lao động cao gấp 1,5 lần.
Năm 2020, Trung tâm GDNN-GDTX huyện cũng đã triển khai mở lớp dạy các nghề mây tre đan xuất khẩu, mây giang đan cho 210 học viên, thời gian học dưới 3 tháng.
Thông qua công tác đào tạo, liên kết hỗ trợ việc làm, trên địa bàn huyện đã thành lập được một số tổ hợp tác sản xuất mây tre đan tại các xã Đông Bắc, Sào Báy, Xuân Thủy.
Theo kết quả khảo sát sau đào tạo, trên 90% học viên hoàn thành khóa học có việc làm ổn định, thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Lựa chọn nghề phù hợp
Một nghề khác gắn với hiệu quả sau đào tạo là nghề may túi xách siêu thị. Đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kim Bôi đã đào tạo cho 90 học viên nữ là người dân tộc thiểu số.
Định hướng của cơ quan dạy nghề giúp lao động có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, bền vững (Ảnh TL). |
Qua kênh tiêu thụ của HTX, doanh nghiệp địa phương, 100% học viên được nhận vào làm tại xưởng may túi xách siêu thị xã Nam Thượng, Đông Bắc, đảm bảo mức thu nhập trên dưới 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Kim Bôi, thực hiện Đề án 1956, giai đoạn 2010 - 2020, huyện Kim Bôi đã tổ chức mở 278 lớp đào tạo cho 8.454 lao động nông thôn học nghề, gồm các nghề: làm chổi chít xuất khẩu, may túi xách siêu thị xuất khẩu, trồng cây có múi, nuôi và trị bệnh cho trâu, bò, thêu thổ cẩm, mây tre đan xuất khẩu, chăn nuôi gà hữu cơ, sản xuất rau an toàn, may công nghiệp, hàn điện, sửa chữa máy nông nghiệp và một số nghề nông nghiệp khác.
Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trên địa bàn huyện đạt 90%, riêng lĩnh vực nghề nông nghiệp đạt 100%. Lao động sau khi được đào tạo có nghề nghiệp ổn định, tạo thu nhập cho gia đình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, để lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề.
Đồng thời, huyện sẽ làm tốt việc khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động để có phương án phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, thực hiện đào tạo nghề theo nhu cầu thực tiễn, gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mỹ Chí