Chị Nguyễn Thị Thắm, người sáng lập HTX Định Quán chia sẻ, những năm gần gây, nắm bắt nhu cầu đan mây tre ngày một nhiều, HTX bắt đầu chuyển dần từ đơn vị đan thuê thành đơn vị tạo hàng mẫu và dạy nghề. HTX liên hệ với những doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh để nhận hàng về cho người dân địa phương.
Dạy nghề gắn với tạo việc làm
Kể từ khi thành lập đến nay, HTX đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề mây tre đan cho hơn 1.000 lao động nông nhàn, lao động người dân tộc thiểu số tại các xã vùng sâu, vùng xa như La Ngà, Phú Ngọc, Ngọc Định, Phú Hòa, Gia Canh.
HTX đã dạy nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động kể từ khi thành lập (Ảnh TL). |
Theo chị Thắm, ban đầu, khi số lượng lao động còn ít, các thành viên HTX đã tìm đến các cơ sở mây tre đan ở Biên Hòa, Bình Dương, TP.HCM để xin học nghề, sau đó trở lại Phú Ngọc nhận các đơn hàng về làm, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho những người quen trong xã cùng làm nghề.
Sau thời gian đầu khá khó khăn, khi tìm được nguồn cung cấp nguyên vật liệu, cũng như đầu ra của sản phẩm, HTX mạnh dạn nhận những đơn hàng lớn, các sản phẩm chính từ lục bình, mây, tre, cói…, thu hút thêm nhiều lao động tham gia, không chỉ trên địa bàn xã Phú Ngọc mà còn có các xã lân cận.
Chị Hoàng Thị Kiều, xã La Ngà cho biết, sau khi lập gia đình, vì có ít đất sản xuất nên vợ chồng chị quanh năm phải đi làm mướn, công việc thời vụ nên thu nhập bấp bênh, cái nghèo đeo bám riết không buông, cuộc sống rất khó khăn.
Năm 2015, được chị em trong xã giới thiệu, chị Kiều tìm đến HTX để xin học nghề. Nhờ được tận tình hướng dẫn, chỉ sau hơn một tháng, chị đã có thể tự tin nhận sản phẩm về nhà làm.
“Thời gian đầu, tôi chỉ nhận những sản phẩm đơn giản như rổ, rá, sau thì kỹ thuật nâng lên, tôi nhận thêm sản phẩm phức tạp hơn như giỏ xách, xe đạp…, từ đó thu nhập cũng liên tục được cải thiện. Hiện bình quân mỗi ngày, nếu chăm chỉ, tôi có thu nhập 130 - 170 nghìn đồng”, chị Kiều tâm sự.
Có nghề ổn định, thu nhập khá, chị Kiều cũng tự tin hơn trong việc phát triển kinh tế vườn nhà. Từ nguồn vốn tích lũy được sau quá trình liên kết với HTX, chị phát triển mô hình trồng cây ăn quả trên diện tích gần 0,5 ha cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm, diện tích này trước đây chỉ trồng màu năng suất thấp.
Tiếp tục nhân rộng
Sau nhiều năm hoạt động, HTX tiểu thủ công nghiệp Định Quán dù trải qua bao thăng trầm nhưng vẫn đứng vững và phát triển với cơ ngơi hơn 800m2 nhà xưởng và khoảng 16 điểm vệ tinh trên địa bàn 2 huyện Định Quán, Tân Phú.
HTX đang đa dạng sản phẩm để chinh phục người tiêu dùng (Ảnh TL). |
Theo lãnh đạo xã Phú Ngọc, HTX Định Quán là một trong những đơn vị điển hình của địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trong các tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo.
Trước đây, xã Phú Ngọc còn 105 hộ nghèo trên tổng số 4.674 hộ dân. Bằng các giải pháp giảm nghèo căn cơ, như hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ chính sách an sinh xã hội..., số hộ nghèo nay đã giảm rõ rệt.
Theo Giám đốc HTX Nguyễn Thị Thắm, hiện tại, bên cạnh đẩy mạnh dạy nghề, tạo thêm việc làm cho lao động, HTX đang đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, giúp mọi người tin tưởng vào những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Nhờ việc liên kết với Hội Phụ nữ xã, HTX đã vận động từng hộ, từng người dân hiểu về tác hại của rác thải nhựa với môi trường. Từ đó, phong trào “Phụ nữ đi chợ bằng làn, nói không với rác thải nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy” do Hội Phụ nữ xã phát động lan tỏa mạnh mẽ.
Thời gian gần đây, các công ty, người dân nhiều vùng miền đã tìm đến sản phẩm của HTX nhiều hơn. Không chỉ vì mẫu mã sản phẩm luôn được đổi mới, chất lượng cao mà còn do ý thức của cộng đồng đã được nâng cao đáng kể trong việc hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng nhựa, vật dụng khó phân hủy.
“Thay vào đó, các mặt hàng đồ dùng gia dụng được làm từ mây tre đan thân thiện với môi trường ngày càng được ưa chuộng và phổ biến hơn”, chị Thắm nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục thúc đẩy quảng bá các mặt hàng mây tre đan sang các nước để đưa sản phẩm thân thiện với môi trường đến với nhiều người hơn, đồng thời hướng tới mô hình sản xuất kết hợp du lịch trải nghiệm để nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động.
Mỹ Chí