Trước đây, lục bình (hay còn gọi là cây bèo) vốn chỉ là cây mọc dại trên hệ thống các con kênh ở Phú Xuân. Tuy nhiên, khi nghề đan đát trở nên phổ biến, cây mọc dại lại trở thành loại cây hái ra tiền, tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ đẹp mắt, tiện dụng, thân thiện môi trường.
Liên kết làm nghề
Theo thống kê, toàn ấp Phú Xuân hiện có hơn 200 lao động làm nghề đan đát lục bình. Với lao động lành nghề, mỗi ngày có thu nhập từ 150 đến 180 nghìn đồng/ngày.
Nghề đan đát đang mở ra nhiều cơ hội việc làm phụ nữ ấp Phú Xuân (Ảnh TL). |
Đối với những người chịu khó đi cắt lục bình ở kênh, rạch đem về phơi khô làm nguyên liệu và nhận khung về làm sản phẩm sẽ được lợi nhuận cao hơn bình quân 5 - 10 ngàn đồng/sản phẩm so với những người nhận cả nguyên liệu và khung về đan.
Đặc biệt, thời gian qua, nhiều gia đình đã tổ chức nuôi trồng cây lục bình ở gần sông để bán nguyên liệu. Có những thời điểm cây lục bình được giá, lợi nhuận của các hộ có thể đạt vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng mỗi ngày.
Không chỉ hoạt động riêng lẻ, những người làm nghề đan đát lục bình ở Phú Xuân đã chủ động liên kết để thành lập các tổ hợp tác để nâng tầm quy mô, kỹ thuật, đa dạng sản phẩm, thu hút sự đầu tư, liên kết của doanh nghiệp.
Toàn ấp Phú Xuân hiện có 2 tổ hợp tác đan lục bình, hợp tác với các công ty ở Bình Dương, công ty Sao Mai - TP. Cao Lãnh để cung ứng và bao tiêu sản phẩm. Nhờ có đầu mối tốt nên hàng làm ra lúc nào cũng tiêu thụ hết, giúp người lao động địa phương an tâm làm nghề.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Tổ trưởng Tổ đan lục bình ấp Phú Xuân, cho biết mục đích của tổ liên kết đan lục bình là giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, giúp phụ nữ nghèo có việc làm ổn định, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và thu hút chị em tham gia hoạt động Hội Phụ nữ.
Những sản phẩm từ lục bình của thành viên Tổ hợp tác chủ yếu được làm theo đơn đặt hàng của các công ty ở tỉnh Bình Dương, TP.HCM. Các công ty này gửi mẫu là các khung sắt được làm sẵn, người đan làm theo yêu cầu rồi gửi thành phẩm về công ty.
Ngoài ra, Tổ hợp tác và các cơ sở làm nghề ở ấp còn chủ động nghiên cứu các mẫu mới để giới thiệu sản phẩm với công ty rồi hợp đồng làm. Các sản phẩm thủ công được các cơ sở làm như sọt, thảm, giỏ, hộp, đồ trang trí nội thất...
Đến nay, Tổ hợp tác đã tham mưu với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Đức mở 8 lớp dạy nghề đan đát lục bình với 240 học viên tham gia. Mô hình đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 250 lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân của các thành viên mỗi tháng từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng. Ngoài ra, tổ còn phối hợp mở lớp dạy nghề ở các địa phương khác.
Tiếp tục truyền nghề
Đi dọc các con kênh ở ấp Phú Xuân hiện tại không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều chị em phụ nữ làm nghề đan đát đang tranh thủ bơi xuồng cắt lục bình về phơi làm nguyên liệu.
Các mô hình tổ hợp tác nghề đan cần được mở rộng để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập (Ảnh TL). |
Chị Nguyễn Thị Quyên, thành viên Tổ hợp tác đan lục bình ấp Phú Xuân, trước đây thuộc hộ nghèo, do sức khỏe kém nên chị không đi làm thuê những công việc nặng nhọc được. Từ khi tham gia đan lục bình đến nay, cuộc sống gia đình chị có phần khởi sắc.
Chị Quyên chia sẻ: “Lúc trước, một mình chồng tôi đi làm mướn nên không đủ chi tiêu cho gia đình. Nhờ được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã giới thiệu, tôi học nghề đan lục bình, nên bây giờ cứ 3 ngày là tôi giao sản phẩm một lần, thu nhập cũng gần 200 ngàn đồng/ngày giúp gia đình tôi sống tốt hơn”.
Cũng theo chị Quyên, ngày nay không chỉ có phụ nữ làm nghề, nam giới ở nhiều hộ cũng tận dụng thời gian không đi làm đồng, giăng câu, giăng lưới, ở nhà đan lục bình phụ vợ kiếm thêm tiền.
Theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Đức, sau gần 10 năm phát triển tại địa phương, nghề đan lục bình đang mang lại hiệu quả cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động.
Để tiếp tục phát triển nghề, giải quyết thêm việc làm cho người dân trong mùa nước nổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ tích cực củng cố các tổ hợp tác, đồng thời nhân rộng mô hình ra các ấp còn lại trong xã, khuyến khích các chị em truyền nghề cho nhau. Ngoài ra, Hội cũng liên kết với Đoàn thanh niên, Hội Nông dân xã để giới thiệu việc làm cho phụ nữ.
Nhật Minh