Theo thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện hiện đạt 68%, trong đó 54,5% có chứng chỉ, bằng nghề. Trong vòng 5 năm, gần 3.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề theo Đề án 1956, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Nhiều dấu ấn tích cực
Một trong những mô hình tiêu biểu trong đào tạo nghề có hiệu quả ở Kim Bảng là mô hình đào tạo nghề thêu ren. Từ khi triển khai đề án cho đến nay, mô hình được phát triển, nhân rộng ở các xã như Lê Hồ, Đồng Hóa, Tân Sơn, Nguyễn Úy, Tượng Lĩnh, Hoàng Tây…
Được đào tạo nghề giúp người lao động tự tin phát triển, nâng cao thu nhập (Ảnh TL). |
Việc phối hợp với các HTX, doanh nghiệp khi thực hiện mô hình dạy nghề thêu ren mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người lao động sau đào tạo có việc làm, thu nhập ổn định.
Chị Lê Thị Phượng, thành viên Tổ hợp tác nghề thêu xã Đồng Hóa, chia sẻ nhìn những người thợ làm việc, ai cũng nghĩ nghề thêu ren thật đơn giản, chỉ cần đưa mũi kim lên xuống thế là xong, nhưng thực tế nghề cần sự công phu, tỉ mỉ và khéo léo, vì vậy học nghề tinh thông là đòi hỏi tất yếu.
Đặc biệt, trước đây mọi công đoạn đều được tiến hành thủ công, nhưng đến nay, nhờ được học nghề, các hộ có thể áp dụng công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là việc đưa máy thêu vi tính vào sử dụng giúp công việc thêu ren đã nhàn hơn trước rất nhiều.
“Nhờ ứng dụng khoa học – kỹ thuật, năng suất lao động cao gấp 15 - 20 lần, sản phẩm làm ra cũng đẹp hơn. Tùy theo sản lượng hàng tháng, trung bình mỗi lao động có thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng”, chị Phượng phấn khởi cho hay.
Cùng với thêu ren, các nghề đào tạo thu hút lao động nông thôn trên địa bàn huyện tham gia học, có việc làm sau đào tạo phổ biến nhất là những nghề phi nông nghiệp, như may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, nhân viên phục vụ phòng, hướng dẫn viên du lịch, Caddy (phục vụ sân golf),…
Hiệu quả của công tác đào tạo nghề đang góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Kim Bảng, tác động tích cực đến đời sống của người lao động. Hiện nay, số lao động nông thôn làm việc trong lĩnh vực công nghiệp – thương mại – dịch vụ chiếm tỷ lệ gần 70%, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 87 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Để có được những thành công trên, trong gần 10 năm qua, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy định, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với mở rộng quy mô dạy nghề, huyện hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (Ảnh TL). |
Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đề án, trong đó chú trọng việc điều tra, khảo sát, đề xuất bổ sung danh mục đào tạo nghề nghiệp, xây dựng định mức chi phí đào tạo.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đề án, phổ biến các mô hình hiệu quả có thể áp dụng cho địa phương, tư vấn học nghề, việc làm miễn phí, phát hàng vạn tờ rơi "Những điều cần biết về dạy nghề cho lao động nông thôn" và cẩm nang "Chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn"… đến tận khu dân cư.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện vừa đổi mới phương pháp đào tạo, vừa chú trọng chất lượng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy nghề. Nhiều cán bộ giáo viên của trung tâm được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm dạy nghề.
Với những kết quả đang có, Kim Bảng đang hướng tới những mục tiêu cao trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn bảo đảm bền vững.
Mục tiêu đặt ra đối với huyện Kim Bảng đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, trong đó 65% có chứng chỉ bằng cấp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 86% tổng số lao động toàn xã hội.
Để hoàn thành các mục tiêu, huyện sẽ chủ động huy động các nguồn lực từ HTX, doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động sau học nghề. Đẩy mạnh hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên…
Mỹ Chí