Mỹ Chánh là trung tâm tiểu vùng 4 của huyện Ba Tri, có thế mạnh đặc biệt trong phát triển chăn nuôi, trồng lúa và thương mại, dịch vụ. Những năm qua, lấy người dân là chủ thể, xã đã đẩy mạnh công tác dạy nghề, xây dựng mô hình điểm, áp dụng nhiều phương thức sản xuất mới…
Điểm nhấn từ HTX
Những lợi thế về thổ nhưỡng cùng nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào đang tạo điều kiện để nhiều hộ dân trên địa bàn xã Mỹ Chánh phát triển nghề chăn nuôi bò, gắn với thương hiệu “bò ba Tri” nổi tiếng khắp cả nước.
HTX đang đóng góp tích cực vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Mỹ Chánh (Ảnh TL). |
Để nâng cao hiệu quả mô hình, xã đã hỗ trợ thành lập HTX nông nghiệp Mỹ Chánh nhằm liên kết các hộ sản xuất, tăng cường tập huấn, nâng cao trình độ và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động tại chỗ, đồng thời phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Trà Tấn Thanh, Giám đốc HTX Mỹ Chánh, cho biết đơn vị hiện có hơn 200 thành viên, người lao động, phát triển đàn bò lớn với tổng số trên 2.000 con.
Không chỉ phát triển mô hình chăn nuôi tại địa phương, HTX còn liên kết tiêu thụ bò sinh sản, bò thịt với 3 xã trong huyện là An Hiệp, An Đức và Bảo Thạnh. Trung bình mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường các tỉnh miền Đông, miền Trung và Tây Nguyên gần 1.800 con bò giống và 1.200 con bò thịt.
Theo Giám đốc Trà Tấn Thanh, trong quá trình hoạt động, bên cạnh hoàn thiện quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn, HTX đã chủ động đẩy mạnh hoạt động tập huấn kỹ thuật, dạy nghề để nâng cao trình độ cho các hộ thành viên, người lao động.
Thông qua các lớp dạy nghề, HTX trang bị các kiến thức về xây dựng chuồng trại, kỹ năng tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh, tạo con giống, nắm chắc quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, và đặc biệt là giúp các hộ tự tin chuyển đổi sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Cũng tại các lớp tập huấn, các thành viên HTX được nâng cao nhận thức về chăn nuôi xanh, tạo ra những sản phẩm sạch. Đơn cử, các hộ được hướng dẫn cách xử lý chất thải đúng quy định, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tận dụng nguồn phân bón tốt cho cây trồng.
Không chỉ có HTX Mỹ Chánh, trên địa bàn xã Mỹ Chánh còn có Tổ hợp tác chăn nuôi bò, Tổ hợp tác nuôi gà sinh sản, Tổ hợp tác trồng nấm rơm và trồng nấm linh chi. Các đơn vị đang tiếp tục được nhân rộng, trở thành điểm tựa để người dân liên kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Dạy nghề là mũi nhọn
Cùng với hoạt động đào tạo nghề để phát huy thế mạnh về chăn nuôi, những năm qua, xã Mỹ Chánh đã đẩy mạnh vận động người dân tham gia các lớp học nghề theo Quyết định số 1956, với các nghề phổ biến như đan ghế nhựa, may mặc, thợ nề…
Công tác dạy nghề sẽ tiếp tục là mục tiêu mũi nhọn của xã trong thời gian tới. (Ảnh TL). |
Xã cũng phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm của huyện tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho hàng trăm lượt người lao động khu vực nông thôn.
Đến nay, nhờ hiệu quả của công tác đào tạo nghề, số lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn xã đạt trên 91%. Số lao động qua đào tạo, tự tin xây dựng mô hình sản xuất riêng hoặc tham gia vào các HTX, tổ hợp tác đạt trên 50%.
Theo lãnh đạo UBND xã Mỹ Chánh, trong giai đoạn 2021 – 2025, xã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 70%, thu nhập của người lao động khu vực nông thôn đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, xã xác định công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tiếp tục là nhiệm vụ hàng đầu, mũi nhọn trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Xã cũng sẽ xây dựng kế hoạch thúc đẩy nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, thực hiện Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung vào những ngành có thế mạnh như trồng lúa, chăn nuôi bò, chăn nuôi gia cầm…
Cùng với đó, xã tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất. Chủ động áp dụng nhiều hình thức sản xuất phù hợp, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, với việc hình thành các HTX, tổ hợp tác.
“Xã chủ trương đào tạo cái thị trường cần chứ không chỉ đào tạo cái mình có, bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc” để người lao động nắm bắt kỹ thuật và nhận thấy hiệu quả trực tiếp. Đặc biệt, xã sẽ hỗ trợ các đơn vị dạy nghề như HTX, cơ sở sản xuất… đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập đáp ứng với xu thế đào tạo trong thời kỳ công nghiệp 4.0”, đại diện UBND xã Mỹ Chánh nhấn mạnh.
Mỹ Chí