Phú Mậu là vùng đất trũng, nơi thường xuyên phải gánh chịu thiên tai, mưa bão và sự bất lợi của thời tiết. Để nâng cao giá trị sản xuất, HTX Nông nghiệp Phú Mậu II đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện tổ chức các lớp dạy nghề trồng hoa cho thành viên và nông dân.
Đa dạng ngành nghề
Ông Hà Út, Giám đốc HTX, cho hay trước đây, các thành viên HTX chỉ tập trung phát triển các giống hoa truyền thống. Kể từ năm 2017 đến nay, nhờ được học nghề, chuyển giao kỹ thuật, thành viên HTX đã tiến hành đa dạng các loại hoa và đầu tư mạnh cho các giống hoa mới như hoa ly, thược dược, lan mokara…
Nghề trồng hoa đang là thế mạnh mang lại thu nhập khá cho người dân Phú Mậu (Ảnh TL). |
Theo ông Út, khác với những loài hoa truyền thống, những giống hoa mới đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn, đặc biệt là khi biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh, vì vậy công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ nhân lực là đặc biệt cần thiết.
Hiện, nhờ được dạy nghề, tập huấn kỹ thuật, 22 hộ thành viên của HTX đã tự tin trồng hoa tập trung theo hướng công nghệ cao, áp dụng hệ thống nhà màng và tưới nước tự động thay thế cho việc dùng sức lao động.
Việc đầu tư trồng hoa theo hướng công nghệ cao giúp HTX giảm đến 90% công chăm bón, tưới phân mà hiệu quả đạt được tăng đáng kể so với việc tưới, bón truyền thống.
Bên cạnh nghề trồng hoa, nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Dịch vụ ngành nghề - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp”, nhiều HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp gia đình ở Phú Mậu đã làm ăn thành đạt, với nhiều loại hình ngành nghề khác nhau, tạo được hàng trăm việc làm tại chỗ.
Điển hình như cơ sở lắp ráp nhà rường của ông Nguyễn Thành ở thôn Mậu Tài, doanh thu bình quân mỗi năm trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên. Cơ sở mộc mỹ nghệ Đinh Ngọc Hồi cũng ở Mậu Tài doanh thu bình quân mỗi năm trên 5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động…
Ngoài ra, trên địa bàn xã hiện có hơn 1.000 người theo nghề thợ xây, thu nhập khá ổn định. Thời gian tới, xã sẽ mở các lớp tập huấn, vừa nâng cao trình độ, kỹ năng, vừa nâng cao ý thức về an toàn lao động cho người lao động.
Tiếp thêm động lực
Không chỉ chú trọng dạy nghề, tạo việc làm với các nghề mới, những năm qua, xã Phú Mậu cũng đẩy mạnh nâng cao hiệu quả của các làng nghề truyền thống như tranh dân gian làng Sình, làm hoa giấy Thanh Tiên… vừa để tạo thêm việc làm, vừa phục vụ phát triển du lịch.
Các làng nghề truyền thống như vẽ tranh, làm hoa giấy cũng được xã "hồi sinh" nhằm tạo việc làm cho người dân (Ảnh TL). |
Hiện, xã tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh để xây dựng thương hiệu tập thể đối với “Hoa giấy Thanh Tiên”, tạo tiền đề để phát triển ngành nghề kết hợp với du lịch trải nghiệm; phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành khảo sát đầu tư xây dựng bến thuyền du lịch.
Với làng nghề truyền thống làm tranh làng Sình, sau nhiều năm đối diện nguy cơ mai một, kể từ năm 2007 đến nay, nhờ đẩy mạnh công các phục dựng, dạy nghề, truyền nghề… nghề làm tranh đã có cơ hội để phục hưng.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước chia sẻ tranh làng Sình hoàn toàn làm thủ công. Để có một bức tranh phải trải qua đủ 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn.
“Nhờ công tác dạy nghề, truyền nghề hiệu quả, nhiều hộ dân trong và ngoài xã Phú Mậu đã tiếp cận được với cách làm các mộc bản và vẽ tranh làng Sình, trở thành một nghề để kiếm sống”, ông Kỹ Hữu Phước cho hay.
Tuy nhiên, theo đa số các hộ làm nghề trong làng, bên cạnh công tác đào tạo nghề giúp người dân nâng cao kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm chất lượng, đa dạng mẫu mã, các ban ngành địa phương cần hỗ trợ công tác quảng bá, mở rộng thị trường, đặc biệt là phát triển dịch vụ du lịch, tham quan trải nghiệm… để gia tăng giá trị kinh tế.
Theo lãnh đạo UBND xã Phú Mậu, những năm gần đây, xã đã đẩy mạnh phối hợp với các cơ sở dạy nghề, các đơn vị chức năng huyện tổ chức đào tạo cho lao động nông thôn. Nhất là thông tin kịp thời nhu cầu tuyển dụng của các HTX, doanh nghiệp để người lao động có cơ hội lựa chọn cho mình một công việc phù hợp, nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tăng cường mở các lớp đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, qua đó giải quyết nhu cầu việc làm, giúp người dân tăng thêm thu nhập, đặc biệt là khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn tài nguyên ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống.
Hưng Nguyên