Sáng nay (25/11), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA tổ chức khai mạc vòng chung kết Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Startup Kite 2021 từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Nội dung các dự án, ý tưởng dự thi vòng chung kết tập trung vào chủ đề “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thời đại 4.0”, hướng tới các ý tưởng, dự án trong mọi lĩnh vực nhằm hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật trong bối cảnh dịch COVID-19 và trạng thái bình thường mới.
Nhân lực chất lượng cao đảm bảo sự phát triển kinh tế
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển con người được xem là thước đo để phát triển kinh tế. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chiến lược, đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của kinh tế Việt Nam.
Một đội tham dự vòng chung kết Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" - Startup Kite 2021 trình bày ý tưởng. |
Một trong những chính sách trọng tâm của Chính phủ trong thời gian qua là kiến tạo môi trường khởi nghiệp lành mạnh để các cá nhân, doanh nghiệp phát triển và đây cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới.
Trong xu thế hiện nay, toàn cầu hóa và internet tạo cơ hội bình đẳng cho con người trong tiếp thu và học hỏi những tiến bộ của nhân loại. Học sinh, sinh viên hôm nay có điều kiện thuận lợi trong tiếp cận các phương thức đào tạo thông qua công nghệ thông tin, tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật mới, hiện đại của thế giới. Điều này cũng mang đến cho học sinh, sinh viên nhiều lựa chọn và cơ hội tốt trong khởi nghiệp.
Để thúc đẩy và khuyến khích phong trào khởi nghiệp ngay trong nhà trường, tháng 10/2017, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1665 phê duyệt đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Thực hiện quyết định của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định 929 ngày 28/6/2019 về phê duyệt kế hoạch triển khai đề án này.
Đề án đã thúc đẩy tinh thần sáng tạo trong khởi nghiệp, từ đó tạo việc làm cho học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp. Điều này cũng đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên tục đổi mới nâng cao chất lượng, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp thành công.
Phát động vòng cơ sở từ tháng 6/2021, sau một thời gian tổ chức, đến thời điểm này, cuộc thi đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận như: có 1518 ý tưởng, dự án tham dự vòng sơ tuyển; 207 dự án của học sinh, sinh viên ở 59 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 33 tỉnh thành phố được lựa chọn vào vòng bán kết; 67 ý tưởng, dự án được lựa chọn vào vòng chung kết.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, cuộc thi này đã trở thành sân chơi chung về sáng tạo khởi nghiệp và thành công. Từ đó đã thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề, khởi nghiệp và thúc đẩy các bạn trẻ tin tưởng lựa chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
“Những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp được nhiều bạn trẻ lựa chọn và được rất nhiều các bậc phụ huynh ghi nhận và tin tưởng gửi gắm con em. Điều này góp phần đáp ứng nguồn nhân lực ở trong và ngoài nước với yêu cầu kỹ năng nghề cao, có khả năng thích ứng với sự thay đổi của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực lao động việc làm”, bà Hà nhấn mạnh.
Chuẩn bị cho tương lai
Startup Kite 2021 được tổ chức qua 3 vòng. Vòng sơ tuyển (5/2021-31/8/2021) tập trung lập ý tưởng các dự án của các sơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc qua hình thức online và offline. Vòng bán kết thi thuyết trình và phản biện từ tháng 9 - 10/2021 tại Hà Nội. Vòng chung kết, kêu gọi vốn đầu tư ảo, thương thuyết với các nhà đầu tư và xử lý tình huống vào tháng 11/2021 với hình thức offline.
Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, dân số trong độ tuổi lao động đông đảo. Đồng thời, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo thống kê, năm 2019, Việt Nam có 7,4 triệu người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên), chiếm 7,7% tổng dân số. Theo dự báo, số lượng dân có độ tuổi từ 65 trở lên sẽ tăng lên 15,5 triệu người vào năm 2036, chiếm 14% dân số. Đây là thời điểm Việt Nam thuộc nước có dân số già trên thế giới.
Dịch Covid-19 đã khiến nhóm người trong độ tuổi từ 65 trở lên và cả những người khuyết tật rất dễ bị tổn thương vì phải đối mặt với những nguy cơ diễn biến của dịch bệnh ngày càng nặng hơn, khả năng tử vong cao hơn, nhất là đối với người cao tuổi bị khuyết tật.
Bên cạnh đó, giãn cách xã hội cũng làm cho người cao tuổi, khuyết tật cảm thấy mình cô đơn, đơn độc. kết quả là họ gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin, mua sắm thực phẩm…
Để thích nghi với tình hình già hóa dân số và đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, theo các chuyên gia, các dự án và ý tưởng tham gia cuộc thi cần có cách tiếp cận theo dòng đời, trong đó chú trọng các cách tiếp cận với những người đang cao tuổi và cả những nhóm người tiệm cận cao tuổi. Đây cũng là cách giúp người trẻ chuẩn bị cho một xã hội già hóa dân số trong tương lai, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các thế hệ trong quá trình chuyển đổi số nhằm đảm bảo toàn xã hội tham gia vào công cuộc xây dựng một xã hội già hóa nhưng vẫn năng động.
Ông Lê Bạch Dương, Phó trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết, với những ý nghĩa cao đẹp từ cuộc thi, UNFPA mong muốn hỗ trợ để có thể khai thác tối đa tiềm năng của thanh niên, vừa hỗ trợ cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương, trong đó có người cao tuổi và người khuyết tật, từ đó khởi tạo một tương lai bền vững hơn.
Như Yến