Thống kê cho thấy cả nước hiện có khoảng 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp và trên 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ.
Học viên nghề ngày càng “có giá”
Thời học THPT, từ chỗ mày mò tìm hiểu về ổ điện, Lê Đức Anh quyết định tự học về điện xoay chiều. Chính sở thích này đã dẫn dắt anh vào Trường CĐ Cơ điện Hà Nội.
Trong quá trình học, Đức Anh đã giành giải nhất nghề lắp đặt điện tại Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội năm 2019, giải nhất nghề lắp đặt điện tại Hội thi tay nghề Bộ NN&PTNT năm 2020.
Doanh nghiệp ngày càng ưa thích sinh viên trường nghề bởi khả năng bắt nhịp công việc nhanh, kỹ năng tốt. |
"Nhờ đam mê và được thực hành liên tục trong trường nên chỉ sau một năm em đã cơ bản nắm chắc kỹ thuật. Hiện em đã liên hệ với một số công ty liên kết với trường, cam kết tuyển dụng với mức lương khởi điểm 8 – 10 triệu đồng/tháng. Tốt nghiệp em sẽ đi làm, nhưng mong ước sau này của em là mở một công ty riêng về điện và thành công trong lĩnh vực này", Đức Anh chia sẻ.
Các kết quả thăm dò cho thấy giá trị của sinh viên học nghề ngày càng được nâng cao, tạo sức hút không nhỏ với doanh nghiệp. Nhiều trường đào tạo nghề uy tín cho biết, nhu cầu của doanh nghiệp hiện đang vượt quá khả năng đào tạo.
Ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết trường tuyển sinh quanh năm, trước đây, không ít thí sinh ngại học cao đẳng vì có vẻ không "oách", khó tìm việc làm và phải làm việc cực hơn đại học.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động bậc cao đẳng rất cao. Đa số các trường đều mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, đào tạo và đánh giá một số học phần thực hành, hướng dẫn sinh viên thực tập nên người học hầu như được tuyển ngay sau khi tốt nghiệp.
“Đó là chưa kể một số trường ký cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Thời gian học ngắn hơn đại học, chi phí đầu tư ít hơn, đi làm sớm hơn, nếu có nhu cầu nâng cao kiến thức có thể học liên thông lên đại học", ông Lê Lâm nhấn mạnh.
Thay đổi cách tiếp cận trong đào tạo
Ông Trương Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM), cũng cho biết thống kê những khóa gần đây của trường cho thấy, sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm ngay, trừ những bạn có nhu cầu học lên cao, mức lương khởi điểm tốt, cơ hội phát triển nghề nghiệp rất ổn.
"Đây là kết quả của việc nâng cao chất lượng từ việc doanh nghiệp tham gia góp ý xây dựng chương trình cũng như trực tiếp đào tạo, tiếp nhận thực tập. Để đảm bảo chất lượng cam kết với người học và doanh nghiệp, trường không mở rộng quy mô ngành nghề cũng như số lượng tuyển mới hằng năm, nhất là các ngành kỹ thuật. Chính điều này đã giúp nhiều bạn có việc làm ngay từ khi đi thực tập", ông Trung nói.
Cần thêm các chính sách đặc thù để trường nghề tăng sức hút với học sinh phổ thông. |
Tại một hội thảo do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mới đây, một số chuyên gia cho biết nhiều quốc gia đang có cách tiếp cận về giáo dục nghề nghiệp khác hẳn Việt Nam.
Đơn cử, Hàn Quốc là một trong những quốc gia coi chứng chỉ kỹ năng nghề là loại chứng chỉ bắt buộc. Bước vào hệ trung học phổ thông, học sinh Hàn Quốc có thể chọn trường phổ thông chuyên biệt, ra trường học sinh được cấp chứng chỉ và có thể đi làm luôn. Ngoài ra còn có trường phổ thông chuyên nghiệp dành cho học sinh có kỹ năng nghề đặc biệt. Học sinh được miễn học phí, ra trường được cấp chứng chỉ tương đương một kỹ sư công nghiệp.
Những người tham gia các cuộc thi tay nghề địa phương, tay nghề quốc gia, tay nghề thế giới có thể được tuyển thẳng vào đại học với tư cách người có kinh nghiệm, khi xin việc tại trung ương, địa phương họ được miễn chứng chỉ.
Ngoài ra Hàn Quốc còn có chương trình vừa học vừa làm áp dụng với sinh viên, người mới đi làm trong công ty. Với chương trình học và làm ngay tại công ty, kết thúc học viên có thể nhận bằng thạc sĩ hoặc chứng chỉ chuyên gia. Nhờ có chính sách phát triển tốt, Hàn Quốc có thể thúc đẩy thanh niên tham gia giáo dục nghề một cách tự nguyện.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, để tăng sức hút với học sinh, sinh viên, xóa bỏ định kiến “học nghề kém sang”, Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận và có những cơ chế đặc thù, thiết thực hơn cho giáo dục nghề nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng để trở thành lựa chọn của học sinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với nhu cầu của đối tượng học cũng như có kế hoạch đào tạo cụ thể, không tràn lan, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Ngoài ra, theo bà Hương, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy và thực hành nâng cao chất lượng đào tạo học viên cũng là một trong những điểm cộng của giáo dục nghề nghiệp trong những năm tới.
Lệ Chi