Mới đây, Hội Nông dân xã Đức Lập Thượng ở huyện Đức Hòa đã tổ chức thành lập Chi hội nghề nghiệp nông dân chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao ấp Tân Hội.
Hiệu quả sau các lớp tập huấn
Đây là chi hội nghề nghiệp nông dân đầu tiên của huyện Đức Hòa được thành lập và đi vào hoạt động, tiền thân từ Tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao ấp Tân Hội.
Nhiều nông dân huyện Đức Hoà được hướng dẫn kỹ thuật khi thực hiện mô hình chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao. |
Việc thành lập chi hội nghề nghiệp nông dân này được kỳ vọng sẽ giúp nhân rộng mô hình chăn nuôi bò thịt theo hướng ứng dụng công nghệ cao, từ đó dần cải thiện đời sống người chăn nuôi. Nhất là việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động chăn nuôi bò thịt của nông dân địa phương theo chuỗi giá trị.
Hiện nay phong trào nuôi bò thịt ở xã Đức Lập Thượng nói riêng và toàn huyện Đức Hòa nói chung khá phát triển với trên 55.000 con bò và hàng ngàn hộ nuôi.
Đa phần bà con nông dân, lao động địa phương đều được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trước khi triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò thịt. Họ được học các lớp về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh trên các đàn bò, góp phần giúp nông dân có thêm kiến thức chăn nuôi, góp phần ổn định kinh tế.
Nhất là hiệu quả của các mô hình nuôi bò ứng dụng công nghệ cao đã góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội tại huyện Đức Hoà, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giàu.
Như ông Phan Văn Kẻn xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, sau khi tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi bò thịt, được sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, ông đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức nuôi - từ truyền thống sang nuôi bò công nghệ cao.
Nuôi theo phương pháp mới này, đàn bò chẳng những mau lớn mà còn dễ bán. Hiện nay, mỗi đợt gia đình ông Kẻn nuôi khoảng 200 con, sau khi trừ hết chi phí như bò giống, nhân công, thức ăn, thuốc thú y…ông còn lời gần 1 tỷ đồng.
Hay như chia sẻ của ông Võ Thanh Quang, Phó Giám đốc HTX Chăn nuôi bò thịt Hòa Khánh Đông ở xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa: Sau khi tham gia lớp học nghề kỹ thuật chăn nuôi bò, tôi cảm thấy kiến thức của mình được nâng lên, từ đó tự tin hơn trong dùng thuốc trị bệnh cho đàn bò nhà mình. Những lớp đào tạo nghề chăn nuôi đã mang lại hiệu quả rất thiết thực cho người dân.
Nuôi bò ứng dụng công nghệ cao
Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Đức Hoà đã tham gia vào các Tổ hợp tác, HTX. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để họ được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới từ các lớp dạy nghề hay lớp tập huấn nghề chăn nuôi.
Huyện Đức Hoà chú trọng nâng cao kiến thức cho các thành viên HTX về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt. |
Hơn thế nữa, huyện Đức Hoà còn phối hợp thành lập các mô hình điểm chăn nuôi bò thịt tại các xã: Hòa Khánh Đông, Hòa Khánh Tây, Đức Lập Hạ, Đức Lập Thượng và Đức Hòa Thượng.
Trong 3 năm trở lại đây, huyện cũng chú trọng nâng cao kiến thức cho các thành viên HTX về sản xuất bò thịt ứng dụng công nghệ cao. Theo ông Võ Thanh Quang, các thành viên HTX đã được hướng dẫn xây chuồng trại đúng tiêu chuẩn, xây dựng logo thương hiệu.
Ngoài ra, các thành viên HTX còn được tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, hỗ trợ gieo tinh bò giống ngoại chất lượng cao, giống cỏ, máy cắt cỏ, máy băm cỏ trong quá trình chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao.
Còn theo ông Dương Văn Thà, ngụ ấp Tân Bình, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hoà, từ khi tham gia Tổ hợp tác Chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao tại ấp Tân Bình, được đi học các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi mới đã giúp ông thụ tinh các giống chất lượng cao cho đàn bò. Bò con sinh ra giá trị kinh tế cao hơn từ 30-40% so với giống bò truyền thống.
Thời gian tới, huyện Đức Hoà sẽ tiếp tục vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò, đồng thời hướng nông dân tham gia các Tổ hợp tác, HTX, tạo chuỗi giá trị liên kết, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của người dân.
Ngoài nghề chăn nuôi bò thì thời gian qua, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đức Hòa đem lại hiệu quả thiết thực. Nhất là đối với các lớp dạy nghề nông nghiệp, sau khi học xong thì nhiều nông dân, lao động địa phương đã biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để nâng cao đời sống.
Thanh Loan