Trong tháng 9 vừa qua, UBND xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ phối hợp với một doanh nghiệp chuyên về truyền thông đào tạo đã hoàn thành lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống cho lao động địa phương.
Phát huy được nghề ngay tại địa phương
Các học viên tham gia khóa học là người trong độ tuổi lao động ở nông thôn trong xã được miễn toàn bộ chi phí đào tạo cho lĩnh vực pha chế các loại thức uống từ trà, cà phê, ca cao; nước ép; sinh tố đá xay; si-rô, sữa chua... Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo.
Các lao động nông thôn ở xã Bình Hòa Phước tham gia lớp học nghề pha chế đồ uống. |
Qua khóa học, các học viên đã biết cách pha chế các loại thức uống, đủ điều kiện xin việc làm, có cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Việc đào tạo nghề nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương đang được xã Bình Hoà Phước đẩy mạnh, nhất là từ sau những tác động do dịch Covid-19 cũng như tình trạng biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng trên địa bàn.
Trong đợt hạn mặn hồi đầu năm nay, toàn xã có gần 500ha vườn cây ăn trái bị suy kiệt. Giám đốc HTX chôm chôm xã Bình Hòa Phước Nguyễn Ngọc Nhân cho biết, HTX có 42ha chôm chôm, trong đó hơn 70% diện tích đã bị thiệt hại, không thể xử lý cho ra trái.
Để giúp thành viên HTX và nông dân trong xã phục hồi vườn cây ăn trái sau hạn mặn, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về phòng, chống hạn mặn trên cây trồng, cấp phát tài liệu về hướng dẫn kỹ thuật canh tác. Điều này đã giúp cho nông dân Bình Hòa Phước khắc phục được phần nào những thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Không chỉ ở xã Bình Hòa Phước, việc đào tạo nghề nhằm giúp lao động nông thôn khắc phục và thích ứng trước những tác động do biến đổi khí hậu đang được huyện Long Hồ chú trọng.
Đặc biệt, huyện Long Hồ đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với biến đổi khí hậu. Để làm được điều này, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, trồng trọt theo tiêu chuẩn GAP, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, phát huy hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Bên cạnh đó, huyện cũng đặt ra mục tiêu trong thời gian tới là cố gắng giải quyết việc làm cho 80% trở lên lao động nông thôn qua đào tạo, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Thực tế cho thấy, sau khi hoàn thành chương trình tại các lớp đào tạo nghề, phần lớn các lao động nông thôn ở Long Hồ đã phát huy được nghề ngay tại địa phương hoặc hành nghề tại một số doanh nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững.
HTX cùng góp sức
Chị Nguyễn Thị Trang ở xã Long An cho biết, gia đình chị trước đây chủ yếu trông chờ vào thu nhập từ nghề phụ hồ của chồng. Sau khi được đào tạo nghề thủ công do huyện tổ chức, chị đã có việc làm, có thu nhập thường xuyên. Từ đó, gia đình chị đã từng bước vượt qua khó khăn.
Nông dân huyện Long Hồ học hỏi những kỹ thuật nuôi trồng mới để thích ứng biến đổi khí hậu |
Với đặc trưng không đòi hỏi quá nhiều về học vấn, sức khỏe, độ tuổi, thời gian nên các lớp học nghề thủ công mỹ nghệ được tổ chức ở huyện Long Hồ như đan thảm lục bình, đan giỏ... là những nghề thu hút khá nhiều lao động nông thôn tham gia trong thời gian qua.
Bà Nguyễn Bích Phượng, ngụ xã Phú Đức cho biết sau khi học nghề thì mỗi ngày bà đan được từ 10-15 tấm thảm, thu nhập hơn 50.000 đồng.
Trong huyện Long Hồ có HTX đan lát thủ công mỹ nghệ Thanh Thanh ở xã Long Phước, là đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là chị em phụ nữ và người khuyết tật. Không chỉ thành công trong xuất khẩu, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 160 lao động địa phương.
Ngoài ra, còn có thể kể đến HTX Nông nghiệp Hậu Thành ở xã Long An. Ngoài việc hỗ trợ giúp đỡ thành viên trong công việc đồng áng, HTX còn thường xuyên tổ chức các lớp học đan để dạy cho các chị em phụ nữ đan gia công.
HTX Hậu Thành luôn khuyến khích những hộ nghèo và hộ cận nghèo tham gia học nghề góp phần tăng thêm thu nhập kinh tế gia đình. Đến nay, HTX giúp giải quyết việc làm cho hơn 200 chị em phụ nữ ở địa phương và các vùng lân cận, từ đó mở rộng việc kinh doanh, nhận được nhiều đơn hàng từ các công ty ở Đồng Nai, Biên Hòa, Bình Dương. Đồng thời, HTX cũng thường xuyên nghiên cứu các mẫu mã mới để giới thiệu sản phẩm cho nhiều công ty khác.
Bà Nguyễn Thị Mười, thành viên HTX Hậu Thành, cho biết từ khi được HTX hỗ trợ học nghề và tạo việc làm, kinh tế gia đình bà ổn định hơn. Đến giờ, mặc dù tuổi cũng đã cao, nhưng bà vẫn có nghề để duy trì cuộc sống.
Thanh Loan