Theo thống kê của UBND tỉnh Điện Biên, một trong những kết quả nổi bật sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-HĐND là công tác giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động của tỉnh có việc làm ngày càng tăng.
Học nghề để thay đổi nhận thức
Cụ thể, trong 5 năm qua, tỉnh Điện Biên đào tạo trung bình hơn 6.400 lao động/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 73%, đạt 124,5% so với mục tiêu đề ra. Đến nay, có 100% xã đạt tiêu chí số 12 nông thôn mới về tỷ lệ lao động có việc làm, tăng 34 xã, đạt 141% so với mục tiêu nghị quyết.
Những thành công trên được xem là nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp trong việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó góp phần phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người lao động theo bộ tiêu chí nông thôn mới.
Cuối quý II/2022, sau một lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi gia súc do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mường Nhé tổ chức, nhiều dân bản nán lại để hỏi thêm về các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cho đàn gia súc. Các hộ dân này đều là những tấm gương tiêu biểu trong tăng gia sản xuất ở địa phương.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, cho biết thời gian qua, việc đào tạo nghề cho người lao động đã giúp người dân Mường Nhé thay đổi về nhận thức. Trước đây, nhiều người tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí thì đến nay người lao động đã ý thức học nghề sẽ giúp người dân tận dụng tài nguyên đất đai, đa dạng ngành nghề để vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Đào tạo nghề giúp lao động nông thôn nâng cao trình độ, tự tin lập nghiệp. |
Nhờ đào tạo nghề có hiệu quả, huyện đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Theo số liệu, hiện nay huyện Mường Nhé có tổng số lao động nông thôn được đào tạo giai đoạn 2015-2020 (từ 3 tháng đến trình độ cao đẳng) là gần 4.000 người.
Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề có hơn 3.400 lao động trên địa bàn huyện có việc làm, trong đó số gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá đạt gần 600 hộ. Đây là kết quả tích cực trong thực hiện xây dựng tiêu chí nông thôn mới ở địa phương.
Nỗ lực hoàn thiện cơ sở vật chất
Theo thống kê, toàn tỉnh Điện Biên hiện có 12 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (3 trường cao đẳng, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện).
Đơn cử, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên có đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ cao, sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Các chương trình, giáo trình được xây dựng sát thực tế, bổ sung giáo trình, giáo án điện tử nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin trong giảng dạy…
Nhà trường cũng tăng cường thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tích cực trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh…
Đáng chú ý, các HTX trên địa bàn tỉnh cũng trở thành nòng cốt trong đào tạo nghề và tiếp nhận lao động sau học nghề. Điển hình như HTX Chăn nuôi Mường Mùn (bản Lúm, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo) được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ 2 tỷ đồng.
Hiện, HTX có 10 thành viên tham gia các ngành nghề sản xuất kinh doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây ăn quả, rau sạch và trồng rừng... trên tổng diện tích canh tác 8ha. Ðiều đặc biệt ở HTX này là các thành viên đều được tham gia tập huấn, đào tạo một trong số các nghề mà HTX đăng ký kinh doanh.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc HTX, cho biết dù trước đó ai cũng làm nghề liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích, động viên họ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề do địa phương tổ chức.
Có kiến thức cùng với việc tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả kinh tế của các hộ thành viên đều tăng đáng kể sau khi tham gia vào HTX. Nuôi gà chân đen được xác định là hướng đi chủ lực trong giai đoạn hiện nay của HTX.
Có thể thấy, công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang được các ban, ngành và các trường quan tâm, từ đó đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, HTX, tăng cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là học viên dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 lao động, tạo việc làm mới cho 8.700 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 65% - 70%...
Để đạt được mục tiêu này, Điện Biên chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng, tác phong làm việc cho lao động trong các thành phần kinh tế gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; thực hiện cơ cấu hợp lý tỷ lệ lao động trong các lĩnh vực, tăng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.
Chí Linh