Những năm qua, việc đào tạo nghề ở huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) được thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, tức là dạy nghề giữa lý thuyết và thực hành song song với nhau nên đã giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng vào thực tế.
Hiệu quả nhờ “dạy đúng nghề”
Điển hình, vào năm 20219, khi Trung tâm dạy nghề huyện Na Hang phối hợp với UBND xã Năng Khả mở lớp dạy nghề mây tre đan xuất khẩu, chị Hoàng Thị Xuyến, thôn Nà Reo, đã với hàng chục hội viên phụ nữ khác, đăng ký theo học.
Ngoài học lý thuyết, chị Xuyến và các học viên khác còn được trang bị các kiến thức cơ bản theo phương châm “cầm tay chỉ việc” để sản xuất ra các sản phẩm từ mây tre, được giới thiệu nhu cầu thị trường trong nước và thế giới về sản phẩm mây tre đan.
Kết thúc khóa học, chị cùng các học viên cùng địa phương đã liên kết thành lập Tổ hợp tác mây tre đan Nà Reo hoạt động hiệu quả. Sản phẩm của Tổ hợp tác với chất lượng tay nghề cao đang được các doanh nghiệp từ TP. Tuyên Quang hỗ trợ bao tiêu, nên đầu ra khá ổn định. Hàng tháng, các thành viên Tổ hợp tác có thể thu về bình quân 1 – 3 triệu đồng từ bán sản phẩm mây tre đan.
“Các khoản thu nhập từ Tổ hợp tác không quá cao nhưng rất đáng kể đối với lao động ở vùng sâu, vùng xa như Nà Reo, nhất là trong lúc nông nhàn”, chị Hoàng Thị Xuyến cho biết.
Đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường là xu hướng tất yếu để tạo việc làm cho lao động nông thôn. |
Đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Na Hang cho hay, để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo học nghề xong có việc làm ổn định, huyện đã tiến hành rà soát thông qua các phiếu đăng ký học nghề để nắm được nhu cầu học của người dân, nhu cầu tuyển dụng lao động của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Việc tổ chức lớp dạy nghề chủ yếu căn cứ vào thực tiễn để đào tạo trên cơ sở phát huy, khai thác tốt lợi thế sẵn có của địa phương. Cụ thể, với các xã vùng cao như Hồng Thái, Khâu Tinh… huyện chủ yếu mở các lớp dạy nghề nông nghiệp liên quan đến đào tạo kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Với các xã gần trung tâm, huyện sẽ tập trung đào tạo cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp như nghề xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn, du lịch..., đồng thời ban hành thêm nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi các HTX, công ty, doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng, phát triển trên địa bàn.
Từng bước nâng chất đào tạo
Cùng với việc thúc đẩy “cầm tay chỉ việc”, nhiều địa phương trên cả nước đang chủ động nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất, hoàn thiện chương trình giảng dạy…
Đơn cử, những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã lựa chọn gắn đào tạo nghề với nhu cầu xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp, HTX.
Trường Cao đẳng Nghề Thái Bình đang là một trong những cơ sở đào tạo nghề trọng điểm của tỉnh. Sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển, trường đã cho "ra lò" trên 10.000 lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Hiện, trường có 5 khoa gồm May - Thiết kế thời trang, Điện - Điện tử, Cơ khí - Động lực, Công nghệ thông tin và Khoa Cơ bản, với 3 trình độ Cao đẳng (350 sinh viên/khóa), Trung cấp và sơ cấp (400 học sinh/khóa). Các khoa đều tổ chức dạy và học theo tiêu chuẩn cao.
Em Nguyễn Thu Thảo (sinh năm 2002, xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương) đang là sinh viên năm cuối Khoa May - Thiết kế thời trang, cho biết ngoài việc thực hành tại xưởng thực hành của nhà trường, em còn được thực tập tại các cơ sở, doanh nghiệp may nhiều lần.
“Việc được thường xuyên thực hành giúp các em dễ hình dung kiến thức hơn, hình thành các kỹ năng nghề nghiệp và đặc biệt là tự tin bắt nhịp nhanh hơn với công việc sau khi ra trường. Hiện, em đã được hứa nhận vào một doanh nghiệp may ở TP. Thái Bình, chỉ đợi tốt nghiệp là đi làm”, Thảo nói.
Thống kê của Sở LĐ-TB&XH Thái Bình cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện có gần 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 4 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và 18 trung tâm, trong đó 8/8 huyện, thành phố đều có Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, việc nghiên cứu, nắm bắt xu hướng thị trường, nhu cầu thực tế của xã hội được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường nghề hàng đầu đi trước một bước. Cụ thể, các trường nghề đã chủ động rà soát lại, điều chỉnh cơ cấu các ngành nghề đào tạo thông qua khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, HTX tại các địa phương với phương châm “đào tạo những ngành nghề mà HTX, doanh nghiệp, địa phương, người dân đang cần, chứ không chỉ đào tạo những cái nhà trường đang có”.
Lệ Chi