Chỉ sau hơn 3 năm hoạt động, HTX Sông Son đang từng bước trở thành đơn vị đi đầu trong quá trình phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm miến dong, miến gạo của địa phương, tạo mối liên kết giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho các thành viên và hộ nông dân liên kết.
Dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật
Xác định chất lượng sản phẩm là “chìa khóa” để nâng cao sức cạnh tranh, chinh phục người tiêu dùng, ngay sau khi thành lập, HTX Sông Son đã chủ động mở các khóa tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho các thành viên, nông dân liên kết trong việc sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu.
HTX chủ động đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho thành viên để xây dựng vùng nguyên liệu sạch (Ảnh TL). |
Cụ thể, để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến, HTX Sông Son tổ chức liên kết với 20 hộ tham gia trồng lúa nguyên liệu trên diện tích 15ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các thành viên tham gia chuỗi liên kết được HTX hỗ trợ 50% giá giống, phân bón, vật tư sản xuất và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật… Đặc biệt, HTX ký cam kết mua toàn bộ lúa của bà con với thời gian 3 năm, giá cao hơn 15% so với giá thị trường.
Chị Phan Thị Lan, thành viên HTX Sông Son chia sẻ, dù trước đó đã nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, nhưng phải đến khi tham gia các lớp đào tạo nghề nông, tiếp cận với quy trình sản xuất an toàn sinh thái, chị mới vỡ ra nhiều điều, từ đó áp dụng vào thực tế, cho hiệu quả cao hơn.
Đơn cử, trong quá trình chăm sóc, chị Lan được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, tận dụng các loại thiên địch để loại bỏ sâu bệnh hại, qua đó giảm thiểu lượng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, tiết kiệm chi phí.
“Nhờ được dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật, 10 sào lúa của gia đình tôi cho năng suất cao, đạt bình quân 6 - 8 tấn thóc/năm. Với giá bán 6,5 triệu đồng/tấn, mỗi năm gia đình thu về trên dưới 40 triệu đồng, đời sống từ đó cũng được nâng lên”, chị Lan cho hay.
Không chỉ các thành viên chính thức được trợ lực, mà các hộ liên kết cũng được HTX hỗ trợ vốn mua giống, phân bón, ứng trước vật tư sản xuất và được dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đến nay, HTX đã mở hàng chục lớp tập huấn, thu hút gần 100 lượt nông dân tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm về sản xuất an toàn, sử dụng máy móc, phòng trừ dịch hại…
Kết nối thị trường tiêu thụ
Không chỉ liên kết, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu nông sản giúp các thành viên, ngay từ khi thành lập, Ban Giám đốc HTX Sông Son đã xây dựng quy trình sản xuất miến dong, miến gạo chất lượng cao. Trong năm 2019, HTX đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 80 tấn miến dong, miến gạo.
Chất lượng sản phẩm của HTX Sông Son được đánh giá cao, người tiêu dùng tin tưởng (Ảnh TL). |
Người lao động của HTX được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo nghề để nắm chắc quy trình sản xuất, đặc biệt là trong vận hành các loại máy móc hiện đại. Không chỉ kiến thức về chuyên môn, trong các khóa tập huấn dạy nghề, người lao động HTX còn được trang bị kiến thức, ý thức về an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm.
Cùng với công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để sản phẩm làm ra tiếp cận với thị trường một cách tích cực, HTX đã đăng ký đầy đủ bao bì, nhãn mác, mã vạch, chứng nhận của cơ quan chuyên môn về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định.
Các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng được HTX Sông Son đặc biệt chú trọng. HTX là một trong những đơn vị tham gia tích cực và hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Quảng Bình, tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung - cầu trong và ngoài nước. Vì vậy, HTX trở thành cầu nối quan trọng trong việc thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối, ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ, sản phẩm được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Nhờ duy trì và phát triển tốt nhãn hiệu hàng hóa, sản xuất an toàn, chú trọng khoa học - kỹ thuật nên sản phẩm miến dong Sông Son đã được tiêu thụ tại nhiều đại lý, cửa hàng tiện ích trong tỉnh và các tỉnh, thành khác như: Quảng Trị, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Nội, các kênh bán hàng online... và được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt, giá bán tương đối ổn định.
Ông Phan Trung Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX sinh thái Sông Son cho biết, HTX tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động, trong đó có 10 lao động thường xuyên, 30 lao động thời vụ với thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng. 7 thành viên của HTX có thu nhập 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian tới, để chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất miến gạo cũng như tăng thêm thu nhập cho thành viên, HTX dự kiến mở rộng diện tích liên kết sản xuất với người dân địa phương lên 30ha, với khoảng 40 hộ tham gia liên kết. Cùng với những thị trường đã có, HTX cũng tiếp tục khai thác thêm thị trường trong nước và mở rộng ra thị trường quốc tế.
Lệ Chi