Điện Biên xác định dạy nghề nông nghiệp cho người lao động trên địa bàn tỉnh theo hướng lấy thực hành là chính, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, trong thời gian qua đã góp phần quan trọng giúp lao động nông thôn nâng cao tay nghề.
Mở lớp tập huấn kỹ thuật đan lát
Đặc biệt, các chương trình đào tạo nghề đã giúp cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Điện Biên giữ được những nghề truyền thống, lâu đời của cha ông.
Tập huấn kỹ thuật đan lát các sản phẩm mây tre truyền thống và sản phẩm mây tre xuất khẩu. |
HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu, xã Nà Tấu (TP Ðiện Biên Phủ) được thành lập từ năm 2010 theo chương trình đào tạo nghề phụ cho lao động nông thôn, trên nền tảng nghề truyền thống của cộng đồng dân tộc Thái bản địa.
Từ khi thành lập đến nay, HTX đã sản xuất gần 4.000 sản phẩm các loại, cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Lào Cai, U Ðôm Xay (Lào)...
Những ngày mới đi vào hoạt động, HTX nhận được sự quan tâm của Sở NN&PTNT, Liên minh HTX tỉnh Điện Biên và chính quyền địa phương hỗ trợ vốn các trang thiết bị chuyên dụng, máy chẻ, tuốt mây tre hiện đại, để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô; Tập huấn kỹ thuật đan lát các sản phẩm mây tre truyền thống và sản phẩm mây tre xuất khẩu…
Đến nay, doanh thu hằng năm của HTX đạt trên 150 triệu đồng, cùng với đó là giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong thời gian nông nhàn với mức thu nhập từ 1-2 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập này tuy chưa cao nhưng thường xuyên và tận dụng được nhân lực tại chỗ, đặc biệt là người già, trẻ em.
Theo thông tin từ HTX, số lượng đơn đặt hàng mây tre đan đang ngày càng tăng, sản phẩm làm ra đến đâu hết đến đấy, thậm chí không đủ cung ứng. Ðây là tín hiệu vui cho nghề truyền thống mây tre đan.
Đau đáu bài toán nguyên liệu
Ông Lò Văn Cương, Chủ tịch HTX mây tre đan Nà Tấu, cho biết để tìm đầu ra cho HTX, ông thường xuyên tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp nông thôn, dù tổ chức ở quy mô cấp tỉnh, khu vực hay quốc tế. Ngoài mong muốn giới thiệu sản phẩm, ông Cương còn tranh thủ tìm kiếm cơ hội liên kết, phát triển sản phẩm đa dạng và nguồn nguyên liệu bền vững.
HTX cần được trợ lực để phát triển hơn nữa. |
Tuy nhiên, theo các hộ làm nghề đang phải sản xuất cầm chừng do thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất từ mây, tre, song tự nhiên.
Ông Quàng Văn Hạ, thành viên HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu, cho biết gia đình ông thường xuyên có khách đặt mua sản phẩm nhưng sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu vì không có nguyên liệu. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc làm nghề của gia đình ông Hạ không được thường xuyên mà còn làm số danh mục sản phẩm cũng bị giảm đi.
Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây mây tạo vùng nguyên liệu sản xuất mới. Tuy nhiên, giống mây được đưa về địa phương trồng không phù hợp với chất đất và khí hậu. Cây trồng sau 3 năm nhưng cao không quá 1m, tay mây không phát triển…
Theo ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu: Trong lúc tìm nguồn nguyên liệu bền vững thay thế, xã vẫn tuyên truyền, động viên bà con chủ động trồng những giống mây phù hợp với điều kiện địa phương, duy trì hoạt động của làng nghề và hướng người dân đến việc đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm từ tre, nứa để giảm áp lực về nguyên liệu.
Được biết, để tạo điều kiện thúc đẩy nghề truyền thống phát triển, tháng 9/2019, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 32/2019/QÐ - UBND về Quy định công nhận, quản lý và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Điều đó là cơ sở để phát huy ngành nghề truyền thống tại địa phương. Các HTX nói chung và HTX làng nghề mây tre đan Nà Tấu kỳ vọng những chính sách hỗ trợ sắp tới sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt trên.
Thy Lê