Bản Diềm là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào Thái và người Đan Lai. Nghề đan lát sản phẩm thủ công từ mây, tre, nứa, vật liệu tết bện gắn liền với đời sống người dân nơi đây từ xa xưa, cung cấp các sản phẩm cho sinh hoạt hàng ngày như quạt, mâm mây, rổ rá, gùi, ép xôi…
Năm 2014, với sự hỗ trợ của các dự án VIE 028, dự án Oxfam Hồng Kông, dự án VIRI về phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, HTX Mây tre đan Bản Diềm được thành lập với 22 thành viên, chủ yếu là người cao tuổi, phụ nữ, mở ra một hướng phát triển đầy tiềm năng tại địa phương.
Hiệu quả vượt trội
Chị Lang Thị Hoa - Giám đốc HTX Bản Diềm, chia sẻ: “Mây tre đan là nghề truyền thống vốn cho thu nhập rất thấp, mọi chuyện dần thay đổi khi HTX được thành lập. Các loại máy móc được HTX đưa vào sử dụng, giúp năng suất, chất lượng sản phẩm tăng, thu nhập được cải thiện, an toàn lao động (ATLĐ) được bảo đảm”.
Sau hơn 5 năm phát triển, HTX đang có doanh thu trên 300 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX hiện đạt 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Những con số không gây ấn tượng quá mạnh, nhưng ở một bản nghèo như Bản Diềm, thì đây là mức thu nhập đổi đời.
Để có được thành công hiện tại, HTX đã liên tục thay đổi để
thích ứng với yêu cầu thị trường. Về chất lượng, HTX bảo đảm tiêu chuẩn từ công đoạn lựa chọn, xử lý nguồn nguyên liệu, kỹ thuật đan, đến các khâu hoàn thiện sản phẩm, trang trí… đều ở mức độ cao nhất.
Các loại máy móc, công nghệ mới cũng được HTX đẩy mạnh nhằm tạo ra những sản phẩm vừa đẹp, vừa bền, vừa bảo đảm an toàn. Đơn cử, trong khâu tẩy trắng nguyên liệu, HTX sử dụng công nghệ hấp hiện đại thay thế các loại hóa chất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn kép về sức khỏe cho người lao động và người sử dụng.
Về mẫu mã, HTX liên tục nghiên cứu và cho ra đời những mẫu sản phẩm mới. Đến nay, HTX đã có hàng trăm sản phẩm khác nhau, như lẵng cắm hoa, giá sách, đèn treo trang trí… đáp ứng tốt thị hiếu khách hàng và tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.
Sản phẩm của HTX đang vươn tầm xuất khẩu |
Sản xuất bền vững
Năm 2017, dưới sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu ngành nghề (Bộ NN&PTNT), lần đầu tiên, HTX Mây tre đan Bản Diềm đã xuất khẩu được 3 lô hàng sang Đức. Năm 2018, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cũng bắt đầu tìm hiểu và xây dựng kế hoạch tiêu thụ sản phẩm của HTX.
“Bên cạnh những giá trị về kinh tế, HTX cũng đặc biệt quan tâm đến các giá trị về đời sống và ATLĐ. Cán bộ của HTX được cử tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Liên minh HTX tỉnh tổ chức, nhằm nâng cao trình độ quản lý, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh”, Giám đốc Lang Thị Hoa cho hay.
Đội ngũ thành viên, người lao động HTX được tạo nhiều điều kiện để tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận với các tài liệu kỹ thuật mới, giúp nâng cao trình độ, tay nghề, từ đó, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá trị sử dụng...
Trong quá trình lao động, thành viên HTX được hướng dẫn kỹ các quy định về ATLĐ, ý thức về sản xuất an toàn, đồng thời, được trang bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ cần thiết, nhằm bảo đảm năng suất lao động và bảo đảm an toàn cho sức khỏe.
Nhờ những thành công ấn tượng, HTX Bản Diềm trở thành một trong những mô hình điểm trong “Kế hoạch xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị” của Liên minh HTX tỉnh Nghệ An. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự hỗ trợ từ UBND huyện Con Cuông.
“Mục tiêu trong thời gian tới của HTX là phát huy tốt các nguồn lực đang có, đồng thời, tạo ra lợi ích kinh tế, ATLĐ cao hơn để thu hút nguồn lao động trẻ, từ đó, mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị cho thành viên”, Giám đốc Lang Thị Hoa nhấn mạnh.
Sáu Ngạn