Dù đã có bước phát triển nhưng HTX mây tre đan Vân Sơn (Tuyên Hoá, Quảng Bình) không quên tôn chỉ phát triển nghề mây tre đan cho các lao động nông thôn ở Quảng Bình, kể cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Những tháng đầu năm 2020, hoạt động của HTX mây tre đan Vân Sơn (tại xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), bị tác động do thị trường đầu ra chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19.
Quyết tâm đưa nghề về quê hương
Ông Lê Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX mây tre đan Vân Sơn Năm về hưu năm 1997, hằng ngày chứng kiến cuộc sống của người dân trong làng, xã thiếu việc làm, loay hoay với kế sinh nhai, ông Lê Viết Sơn luôn có suy nghĩ phải làm một điều gì đó để giúp bà con.
Đào tạo nghề luôn là trọng tâm phát triển mà HTX đề ra. |
Với quyết tâm tạo dựng nghề cho làng mình, ông Sơn đã đi các làng nghề cũng như HTX, doanh nghiệp sản xuất mây tre đan khắp cả nước học hỏi và tìm các vùng chuyên cung cấp nguyên liệu để tổ chức sản xuất. Năm 2012, Luật HTX ra đời, với nhiều ưu đãi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, để khuyến khích người dân gắn bó với mô hình kinh tế hợp tác, ông Sơn càng quyết tâm thực hiện ý tưởng xây dựng HTX của mình.
Ra đời từ năm 2013, HTX Mây tre đan Vân Sơn hoạt động với số vốn điều lệ ban đầu là 2,2 tỷ đồng. HTX chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nguyên liệu, mua bán các sản phẩm mây tre và lâm sản.
Những năm đầu, ông Sơn đã liên kết với cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội, bán nguyên liệu thô, tiếp đó hợp đồng với các thợ giỏi về đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động trong HTX.
Ngoài ra, để sản phẩm bảo đảm về số lượng, chất lượng và đa dạng mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã quan tâm đến phát triển làng nghề. Bởi chỉ thông qua làng nghề mới huy động được lực lượng lao động lớn trong cộng đồng tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ cho cơ sở.
Hiệu quả rõ nét
Hàng năm, ông Lê Viết Sơn đã mời nghệ nhân và thợ giỏi từ các làng nghề truyền thống có tiếng trong nước về tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến nguyên liệu và nâng cao tay nghề đan xiên cho lao động HTX; đồng thời, chú trọng dạy nghề cho người dân các xã khác trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.
Ông Lê Viết Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX mây tre đan Vân Sơn(Thứ 2 từ phải sang) đưa sản phẩm đi giới thiệu với đối tác nước ngoài. |
Mặt khác, ông Sơn phối hợp với Viện Công nghiệp rừng (thuộc bộ Nông nghiệp-PTNT), Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện tập huấn nâng cao kỹ thuật đan lát thủ công và sấy nguyên liệu song mây cho người lao động.
Đặc biệt, nhiều thợ giỏi của HTX được cử đi đào tạo và được vinh danh là nghệ nhân, thợ giỏi. Đây được xem là một động lực lớn giúp ông có được nhiều người thợ có tay nghề đến học tập và làm việc. Hiện HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động với mức thu nhập 2,5-3 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động đan xiên ở các làng nghề được ông Sơn liên kết đào tạo bài bản, đáp ứng với yêu cầu khi có đơn hàng.
Nhờ chú trọng công tác đào tạo nghề, nhân rộng nghề mây tre đan để hình thành vùng sản xuất lớn ở địa phương, sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành, xuất khẩu sang nhiều nước như Lào, Thái Lan...
"Chúng tôi đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, hàng không xuất được. Để trụ vững được, HTX Vân Sơn kiến nghị được vay vốn để khôi phục sản xuất, tạo việc làm cho người lao động. Và đặc biệt là có vốn để thực hiện các kế hoạch đào tạo nghề mây tre đan." ông Sơn kiến nghị.
Câu chuyện thành công của HTX mây tre đan Vân Sơn cho thấy vai trò tiên phong, dẫn dắt của HTX trong phát triển các làng nghề truyền thống. Đồng thời, việc HTX liên kết với các đơn vị dạy nghề, trung tâm khuyến nông dạy nghề có thể góp phần tăng hiệu quả dạy nghề, tiết kiệm chi phí giảng dạy, rút ngắn thời gian học tập..., quan trọng nhất đảm bảo đầu ra cho người học.
Thực hiện liên kết tay đôi, tay ba trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng là hướng mới được tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các địa phương trong tỉnh thực hiện.
Được biết, theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020” của UBND tỉnh Quảng Bình, đến năm 2020, tỉnh sẽ đào tạo nghề (cả 3 cấp trình độ) cho 89.700 lao động nông thôn được học nghề.
Bình quân mỗi năm đào tạo nghề khoảng 18.000 lao động, trong đó số lao động được hỗ trợ chi phí học nghề (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng) là 10.000 người/năm, gồm: Học nghề nông nghiệp: 4.000 người; học nghề phi nông nghiệp 6.000 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề tối thiểu chiếm 80%.
Thy Lê