Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mô hình KOSEN tiếp nhận học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở (sau lớp 9) và đào tạo trong vòng 5 năm để cấp bằng cao đẳng, có thể liên thông đại học. Kết thúc quá trình học, các học viên sẽ sở hữu tấm bằng được doanh nghiệp đánh giá cao, qua đó dễ dàng tìm việc làm.
Lợi ích thiết thực
Hiện nay, một số trường nghề trên cả nước đang học mô hình KOSEN để đào tạo hệ 9+ (sau trung học cơ sở). Điển hình như Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM), Cao đẳng Công nghiệp Huế…, mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong quá trình đào tạo.
Mô hình KOSEN đang cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội trong đào tạo nghề. |
Ông Trương Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, cho biết không riêng ở Việt Nam, mô hình KOSEN được nhiều trường nghề trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, KOSEN không được trường "bê" hoàn toàn mà chắt lọc học hỏi những cái hay.
Cụ thể, hiện trường đang thực hiện 5S - KOSEN bằng những việc làm cụ thể. Ðầu tiên là “Sàng lọc” với quyết tâm bỏ những thứ không cần thiết để xác định đúng số lượng với những điều cần thiết.
Hai là “Sắp xếp” các yếu tố an toàn (dễ đi lại, dễ thao tác, dễ di chuyển và sử dụng), thuận tiện (dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra, dễ làm vệ sinh), mỹ quan (ngăn nắp, gọn gàng, đẹp mắt).
Ba là “Sạch sẽ” khi tất cả các đối tượng sử dụng luôn trong tình trạng sạch sẽ, an toàn.
Bốn là “Săn sóc” duy trì thành quả đạt được, liên tục thực hiện và phát triển 3S ở trên, đảm bảo 3 không (không có vật vô dụng, không bừa bãi, không dơ bẩn).
Và cuối cùng là “Sẵn sàng” khi mọi người tự nguyện, tự giác thực hiện 4S, tuân thủ các nội quy, quy định.
Sau thời gian thí điểm, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, khẳng định chương trình KOSEN đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng thực hành, sáng tạo và đặc biệt là gắn kết với các ngành công nghiệp.
“Tham gia chương trình này, cơ hội việc làm của sinh viên rộng hơn. Tính hấp dẫn của KOSEN không chỉ ở chất lượng đào tạo, mà sinh viên còn có cơ hội tự thể hiện mình”, bà Lý nhấn mạnh.
Tiềm năng nhân rộng
Theo tìm hiểu, mô hình KOSEN có tính mở cao trong hệ thống giáo dục. Học sinh có thể lựa chọn theo học hệ cao đẳng khi đã tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ được đào tạo 5 năm, còn tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ vào thẳng năm thứ 4.
Mô hình KOSEN có tiềm năng lớn để nhân rộng trong hệ thống trường nghề tại Việt Nam. |
Chương trình đào tạo gồm 2 phần: phần đào tạo chung và phần đào tạo chuyên môn nghề nghiệp. Trong 5 năm học, tỷ lệ học văn hóa giảm dần theo thời gian và ngược lại tỷ lệ học kiến thức chuyên môn tăng lên.
Việc phát triển kỹ năng học tập được thực hiện qua 3 giai đoạn: học tập, trải nghiệm thực tế và giai đoạn thực hành. Mỗi giai đoạn đều có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ người học phát triển năng lực nghề nghiệp tốt nhất theo nghĩa tự do khai phóng trí tuệ, phát huy sáng tạo.
Theo các chuyên gia, mô hình KOSEN được đánh giá rất về cao năng lực thực hành của sinh viên. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi giảng viên phải là người có chuyên môn, nghiệp vụ cao và đặc biệt là có khả năng đảm nhiệm cả lý thuyết và thực hành.
Sau gần 3 năm triển khai, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá đây là mô hình có thể áp dụng tốt và nhân rộng tại Việt Nam, vừa đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào giáo dục nghề nghiệp, vừa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập.
Cùng với mô hình đào tạo song bằng của Đức (sau tốt nghiệp có 2 bằng trong nước và quốc tế), mô hình KOSEN đang được ứng dụng phổ biến bậc nhất trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam hiện tại. Theo thống kê, cả nước hiện đang có gần 50 trường nghề áp dụng mô hình KOSEN (có điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế).
Cũng giống như nhiều chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, để mô hình KOSEN phát huy tối đa hiệu quả, cần thiết phải xây dựng các trung tâm tài nguyên mở, huy động tối đa nguồn tài chính từ các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chuyển sang áp dụng phương thức quản trị của doanh nghiệp, thí điểm đào tạo trực tuyến, ứng dụng công nghệ số…
Nhật Minh