Tại xã biên giới Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, có gần 100 hộ dân duy trì nghề đan lọp cua đồng trong suốt 10 năm qua, tập trung nhiều nhất là ấp Bình Thành B. Làng nghề đã giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần giải bài toán lao động, việc làm ở địa phương.
Góp phần giảm hộ nghèo
Để làm được một cái lọp cua, người đan phải thực hiện nhiều công đoạn như: chẻ nan, làm vành, làm bững, hom…, do đó thu hút rất đông lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Trung bình mỗi người kiếm thêm được từ 30 - 50 nghìn đồng/ngày từ việc đan lọp cua.
Chị Bùi Thị Thúy, ở xã Bình Thạnh, gắn bó với làng nghề này nhiều năm qua chia sẻ: “Ban đầu làm lọp cua “khó ăn” lắm, lọp đan ra "nhốt vốn" mà lại không có thị trường. Dần dần nhờ người quen giới thiệu, cộng thêm chất lượng lọp luôn giữ vững nên ngày càng có nhiều khách đến đặt hàng”. Ngoài việc làm lọp cua để bán, chị còn đi đặt lọp cua ở Tháp Mười, Tam Nông, Tân Hồng… để kiếm thêm thu nhập.
Lãnh đạo xã Bình Thạnh cho biết, từ khi có Tổ đan lọp cua trong xã, tình hình kinh tế của nhiều gia đình phát triển đáng kể, góp phần giảm số hộ nghèo qua từng năm.
Hoặc như ở xã biên giới Bình Phú, huyện Tân Hồng, lấy nghề chăn nuôi bò làm chủ lực để phát triển kinh tế, giúp thu nhập bình quân đầu người ước đạt 37 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 4%.
Nghề chăn nuôi bò ở xã biên giới Bình Phú, huyện Tân Hồng giúp người dân thoát nghèo. |
Hiện, tổng đàn bò của xã vào khoảng 2.000 con. Xã đã thành lập được tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản với 27 thành viên. Tổ hợp tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm được nhiều chi phí, tăng năng suất, chất lượng đàn bò...
Ngoài những nghề này, người dân ở 8 xã biên giới thuộc các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự sống chủ yếu dựa vào sản xuất lúa với hơn 16.700ha.
Lãnh đạo UBND huyện Hồng Ngự cho biết, trong 5 năm trở lại đây, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai thực hiện các chương trình, dự án về việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động… đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, tổng số lao động được giải quyết việc làm là 13.901 lao động (đạt 185%) so với kế hoạch đề ra. Trong đó, huyện đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 547 lao động, đạt tới 136,7%.
Nguồn vốn được phân bổ từ Quỹ giải quyết việc làm của tỉnh Đồng Tháp chủ yếu tập trung cho các xã nông thôn mới, các xã biên giới. Qua các dự án hỗ trợ cho vay, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động vùng biên giới, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tạo việc làm mới cho 6.000 lao động/năm
Tỉnh Đồng Tháp xác định các chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói giảm nghèo ở 8 xã biên giới cần được phối hợp đồng bộ hơn giữa các ngành và đạt hiệu quả hơn.
Theo đó, các ngành chức năng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình hiệu quả nhằm ổn định sinh kế cho người dân. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư, vừa để giải quyết việc làm cho người dân, đồng thời phát triển vùng biên giới....
Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu hàng năm tạo việc làm mới cho khoảng 6.000 lao động ở vùng biên giới, giảm tỷ lệ hộ nghèo hơn 1,5%/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 49 triệu đồng/năm…
Mục tiêu của Đồng Tháp là hàng năm tạo việc làm mới cho 6.000 lao động ở 8 xã biên giới. |
Bên cạnh đó, các huyện ở vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp cũng phát triển mô hình kinh tế hợp tác nhằm tạo sinh kế cho người dân. Như ở huyện Hồng Ngự hiện có 12 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả với 1.915 thành viên tham gia.
Huyện Hồng Ngự cũng chuẩn bị thành lập mới 2 HTX từ Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thường Phước 1 và xã Long Khánh B.
Nhiều HTX trên địa bàn huyện Hồng Ngự duy trì, thực hiện tốt việc lựa chọn các cơ sở cung cấp sản phẩm chất lượng ổn định đầu vào với giá cả hợp lý, đồng thời tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm, nên đã tạo tâm lý an tâm sản xuất cho thành viên.
Trong năm 2020, các HTX ở huyện Hồng Ngự đặt mục tiêu doanh thu bình quân 1,5 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân của một HTX đạt 250 triệu đồng (tăng 1,74 lần), giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Thanh Loan