Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh Hòa Bình đã và đang tiến hành sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quản lý rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực cho hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Những chuyển biến tích cực
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình, đến nay, toàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 5 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và một số đơn vị khác tham gia đào tạo.
Trung bình mỗi năm, có trên 14.000 người được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 56% (có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22,64%).
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Hòa Bình đang có chuyển biến tích cực. |
Toàn tỉnh hiện có 14 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia gồm công nghệ ô tô, vận hành máy thi công nền, hàn, vận hành cần - cầu trục, vận hành nhà máy thủy điện, chăn nuôi và thú y, công nghệ may - thời trang, lâm sinh, quản trị mạng máy tính, hướng dẫn du lịch, điện công nghiệp, nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc, biểu diễn nhạc cụ truyền thống, biểu diễn nhạc cụ phương tây.
Các nghề đạt cấp độ khu vực ASEAN như điện công nghiệp, vận hành máy thi công nền và thanh nhạc. Các ngành nghề trọng điểm được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đảm bảo theo yêu cầu đào tạo nên thu hút số lượng học viên ngày càng lớn, tuyển sinh hàng năm vượt quy mô được cấp phép.
Một trong những điểm sáng trong giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hòa Bình là Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình. Được thành lập từ năm 2015, trường có chức năng tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề các chuyên ngành thuộc khối kinh tế, kỹ thuật nông lâm nghiệp và công nghệ; liên kết đào tạo, hợp tác quốc tế; nghiên cứu thực nghiệm khoa học, tham gia giải quyết những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Anh Tôn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình cho hay, sau hơn 3 năm chuyển đổi từ giáo dục chuyên nghiệp sang lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhà trường đã có những thay đổi căn bản.
Từ giảng dạy theo hướng lý thuyết, nội dung và nghiên cứu, trường chuyển sang thực hành, dạy nghề, rèn nghề. Chuyển đổi từ giảng dạy chủ yếu trên giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành, thực tế xã hội đến việc giảng dạy gắn với thực tiễn, nhu cầu xã hội, sản xuất kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp, HTX.
Chú trọng đào tạo theo chiều sâu
Từ khi thành lập đến nay, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình đã đào tạo hơn 12.000 lao động kỹ thuật trình độ trung cấp, cao đẳng. Học sinh, sinh viên ra trường có việc làm, đáp ứng được thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Đào tạo theo chiều sâu giúp sinh viên trường nghề đáp ứng yêu cầu công việc tại doanh nghiệp. |
Nhằm thu hút học sinh, sinh viên vào học nghề, những năm qua, nhà trường đã biên soạn và đưa vào giảng dạy 6 chương trình cao đẳng, 17 chương trình trung cấp, 20 chương trình đào tạo nghề sơ cấp, mở nhiều ngành nghề đào tạo gắn với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và xu hướng xã hội.
Trường cũng đẩy mạnh hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, thương mại, kinh doanh dịch vụ để học sinh, sinh viên thực tập nâng cao tay nghề và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp.
Thực hiện hợp tác đầu tư và liên kết đào tạo, nhà trường đã hợp tác với các dự án Apheda (Úc), JICA (Nhật Bản), Helvetas (Thụy Sỹ)... đào tạo nghề cho 9.000 người, tập huấn cho 35.000 lượt cán bộ cấp cơ sở và nông dân tại tỉnh và các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung…
Với những thành tựu đang có, kể từ nay đến năm 2025, Hoà Bình xác định mục tiêu cụ thể là tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, vùng Thủ đô và hội nhập quốc tế.
Ông Lưu Tùng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý doanh nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình cho rằng: “Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa đào tạo nghề. Quan trọng hơn cần định hướng cho các trường mở rộng thêm ngành nghề mới, mở rộng hình thức đào tạo nghề, và trong khi nhiều cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được đào tạo tay nghề cao, có thể khuyến khích nhân rộng mô hình doanh nghiệp thành lập trung tâm đào tạo tại chỗ, nhận sinh viên về đào tạo và thực tập. Đồng thời, tổ chức tốt mạng lưới cung ứng dịch vụ lao động, xây dựng ngân hàng dữ liệu và cung cầu lao động”.
Thực tế, trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình luôn quan tâm chỉ đạo việc thúc đẩy đào tạo nghề và phát triển kỹ năng, nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp tại địa phương và giúp người lao động tìm kiếm việc làm.
Nhờ vậy, đánh giá kết quả Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh luôn cao hơn trung vị cả nước. Năm 2020, Hòa Bình xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố. Phần lớn các doanh nghiệp đã đánh giá lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu sử dụng của mình.
Mỹ Chí