Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, trong những năm qua, để nâng cao chất lượng đào tạo, trường đã kết nối với các doanh nghiệp lớn để tuyển sinh theo đơn đặt hàng, qua đó đảm bảo 100% sinh viên chất lượng cao ra trường là có việc làm.
Tăng kết nối với doanh nghiệp
Trong năm 2021, dù gặp phải không ít khó khăn do đại dịch Covid-19, các sinh viên đào tạo theo đơn đặt hàng của Vinfast, Viettel… được Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội bố trí đào tạo "3 tại chỗ", sẵn sàng đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp đối tác cả về chất lượng nhân lực và thời gian.
Kết nối với doanh nghiệp giúp các trường nghề triển khai tốt chương trình "tuyển sinh là tuyển dụng". |
Theo bà Phạm Thị Hường, chương trình “tuyển sinh là tuyển dụng” có thể hiểu đơn giản là nhà trường đứng ra làm cầu nối, trực tiếp tuyển dụng thay cho doanh nghiệp, sau đó tiến hành đào tạo, trang bị đầy đủ kỹ năng cần thiết cho lao động, sẵn sàng chuyển tiếp xuống doanh nghiệp theo đúng tiến độ.
“Xu hướng này giúp nhà trường nâng cao uy tín, tạo sức hút khi đi tuyển sinh, đồng thời thu hút được những học viên có trình độ, thay vì chỉ những học viên học lực kém. Còn với doanh nghiệp, họ có được những nhân sự chất lượng cao, được đào tạo bài bản, đáp ứng tốt yêu cầu công việc”, bà Hường nhấn mạnh.
Tương tự, mở rộng chương trình “tuyển sinh là tuyển dụng” cũng là một trong những nhiệm vụ chính của Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam (Hà Nội) trong những năm qua.
Đến nay, nhà trường đã có hàng loạt doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước như Tập đoàn Samsung, Công ty Sao Thái Dương, Bệnh viện E… Các đối tác trực tiếp hỗ trợ nhà trường trong đào tạo và nhận sinh viên thực tập, làm việc sau khi tốt nghiệp. Chính vì vậy mà sau mỗi khóa đào tạo, 90% người học từ Trường Cao Đẳng Công Thương Việt Nam đều được tuyển dụng ngay, với mức lương ổn định.
Đại diện Trường Cao Đẳng Công Thương Việt Nam cho biết, truyền thống giáo dục Việt Nam vẫn là “học trước rồi làm sau”, là thầy dạy trò nghe, học sách giáo khoa là chính, học lý thuyết nhiều thực hành ít, dẫn tới, sinh viên ra trường nhưng kỹ năng làm việc thực tế kém.
Tuy nhiên, khi bắt tay với doanh nghiệp việc học lý thuyết với thực hành nghề tại trường diễn ra song song. Đặc biệt, các doanh nghiệp liên kết sẽ tạo thuận lợi cho người học thực hành nên kỹ năng, tay nghề được nâng cao.
Tăng cường phối hợp “3 bên”
Một thực tế cho thấy hiện đang có hàng trăm nghìn cử nhân đại học ra trường thất nghiệp hoặc phải làm trái nghề. Vì vậy, xu hướng “tuyển sinh là tuyển dụng” sẽ là chìa khóa để các trường nghề nâng cao uy tín, hình ảnh.
Liên kết "3 bên" Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. |
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là các trường nghề phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là những ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, công nghiệp phụ trợ… Đây là vấn đề cốt lõi nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm, an sinh xã hội.
Theo ông Hùng, thời gian qua, cơ chế phối hợp 3 bên Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp tiếp tục phát triển và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, với các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Các kết quả hoạt động nói trên đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, mở rộng xu hướng “tuyển sinh là tuyển dụng”, giúp sinh viên trường nghề tốt nghiệp là đi làm ngay, thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh cho rằng các trường nghề đang cần doanh nghiệp, và ngược lại các doanh nghiệp cũng rất cần các trường nghề bởi nhu cầu lao động chất lượng cao, lành nghề.
Theo ông Huy, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân lực đã qua đào tạo đang bắt đầu khan hiếm ở nhiều địa phương. Điển hình như ở Bắc Ninh, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh tìm kiếm nhân lực có trình độ tay nghề tốt. Vì vậy, không ít đơn vị đã chủ động kết nối với các trường nghề để triển khai chương trình “tuyển sinh là tuyển dụng”. Đây là xu hướng phát triển của thời đại, cần tiếp tục đẩy mạnh, phát huy hiệu quả, từ đó nâng cao uy tín của giáo dục nghề nghiệp.
Nhật Minh