Với đặc trưng của một tỉnh miền núi, Hòa Bình có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên như đất canh tác rộng, nguồn lao động nông thôn dồi dào, địa hình nhiều núi đá, ao hồ. Vì vậy, các ban ngành chức năng tỉnh Hoà Bình luôn xác định nông nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Công tác dạy nghề tỉnh Hòa Bình đang được đẩy mạnh |
Tập trung trọng điểm
Xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm, tỉnh đã chủ động công tác dạy nghề hướng tới các nghề có thế mạnh của từng địa phương như: sản xuất lâm nghiệp, nuôi cá, trồng cam, chăn nuôi thú y…
Nhiều ngành nghề được dạy bám theo những ngành nghề trọng điểm, để nâng cao tay nghề, kiến thức cho bà con, như dạy nghề trồng cam Cao Phong, cá lồng bè ở Tân Lạc, bưởi đỏ Tân Lạc.
Ông Nguyễn Hồng Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư (Sở NN&PTNT Hòa Bình), cho biết kể từ năm 2017, Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, Phòng LĐ-TB&XH các huyện, UBND các xã tổ chức khai giảng hơn 30 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.000 học viên lao động nông thôn, trung bình mỗi mỗi lớp có 30 học sinh.
Chương trình chủ yếu là dạy nghề trình độ sơ cấp, thời gian đào tạo 2 tháng. Cụ thể có 6 nghề được đưa vào đào tạo như: Sản xuất lâm nghiệp quy mô nhỏ; nuôi cá lồng; chăn nuôi gà thả vườn; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu; ủ phân vi sinh; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn.
“Vì dạy theo đề án 1956, thời gian học ngắn, chúng tôi chỉ đào tạo sơ cấp. Thêm vào đó công tác tuyển sinh cũng được đặc biệt chú trọng, thực hiện tuyển đủ, tuyển đúng đối tượng. Quan trọng nhất vẫn là xác định rõ đầu ra, chỉ đào tạo khi xác định được đầu ra cho học viên” – ông Tuấn nói.
Dự kiến trong những năm tới, tỉnh sẽ tập trung mở các lớp dạy nghề nuôi, phòng trị bệnh cho gà, lợn; lớp nuôi cá nước ngọt trong ao; trồng rau an toàn; sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ - trồng rừng…
Sau đào tạo nghề, nhiều người dân nông thôn tỉnh Hòa Bình đã tự phát triển sản xuất |
Nhiều mô hình điểm
Công tác dạy nghề tập trung trọng điểm giúp tỉnh Hòa Bình hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tạo ra hàng nghìn việc làm với thu nhập ổn định cho lực lượng lao động nông thôn.
Điển hình, trong nghề trồng cam, Liên hiệp HTX cam Cao Phong được thành lập vào tháng 8/2017, hiện có 200 thành viên, sở hữu trên 500 ha cam, quýt sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, với sự tham gia của 4 HTX, gồm: HTX Hà Phong, HTX Nông Nghiệp Số, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Phúc Linh, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Ánh Xuân.
Ông Từ Quang Hà - Chủ tịch Liên hiệp HTX, chia sẻ: “Sự liên kết đã cộng hưởng sức mạnh của các HTX. Điểm mạnh của đơn vị này bù vào điểm yếu của đơn vị kia tạo nên sự hoàn thiện trong chuỗi sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn VietGAP và nâng cao sức mạnh cạnh tranh cho sản phẩm”.
Từ năm 2017 đến nay, huyện Tân Lạc thực hiện dự án liên kết tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc và dự án liên kết sản xuất rau an toàn. Để đảm bảo hiệu quả, HTX Tân Lạc Sơn chịu trách nhiệm cung ứng giống, bao tiêu sản phẩm, HTX nông sản sạch Đông Lai chịu trách nhiệm sản xuất theo chuẩn VietGAP…
“Những năm qua, công tác dạy nghề của tỉnh luôn được tính toán kỹ lưỡng để không chỉ dạy kiến thức mà còn giúp nông dân áp dụng vào thực tế, tự lập các mô hình sản xuất để làm giàu, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương”, ông Nguyễn Hồng Tuấn nhấn mạnh.
Sáu Ngạn