Nhờ được huyện đào tạo nghề xây dựng, anh Ksor Dăm An, làng Bối, xã Glar đã về tự sửa chữa nhà mình và thành lập một nhóm 5 - 7 người đi nhận xây nhà cho người dân trong làng.
Thu nhập ổn định sau học nghề
Dần dần có kinh nghiệm, anh nhận xây những căn nhà lớn hơn, kinh phí nhiều hơn. Ngoài thời gian làm nương rẫy của gia đình, trung bình mỗi người trong nhóm có thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm từ tiền nhận xây nhà cho người dân trong làng.
Huyện Đak Đoa chú trọng dạy nghề cho các thanh niên dân tộc thiểu số |
Còn anh Uyên, làng Brong Goay, xã Ia Pết cho biết: “Huyện có mở lớp đào tạo nghề xây dựng, bản thân tôi lúc đó chưa có việc làm nên đã đăng ký học. Sau khi học xong, tôi đã áp dụng được và đến bây giờ đã có nguồn thu nhập ổn định để nuôi bản thân và gia đình”.
Việc học nghề xây dựng và nhiều nghề phi nông nghiệp khác trong thời gian qua đã tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên dân tộc thiểu số. Huyện Đak Đoa hiện nay là địa phương điển hình của tỉnh Gia Lai trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và ứng dụng nghề vào cuộc sống mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong 3 năm trở lại đây, huyện đã giải quyết việc làm cho 3.630 lao động, chiếm tỷ lệ 5,7% tổng số lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên. Trong đó, trong độ tuổi thanh niên 1.997 lao động, là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi thanh niên 1.258 lao động, chiếm tỷ lệ 34,65% lao động có việc làm.
Việc đào tạo nghề trong huyện nhận được sự tham gia nhiệt tình của thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã: Hneng, HNol, Đak Sơmei, KDang, Hà Đông, Đak Krong.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Đak Đoa, trong chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện, cái được lớn nhất là người dân và đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nhận thức, nếp nghĩ và cách làm trong các lĩnh vực được đào tạo nghề.
Phần lớn những người được đào tạo đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề. Nhiều gia đình dân tộc thiểu số đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực của đời sống.
Cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian gần đây, nông dân huyện Đak Đoa đã liên kết xây dựng các mô hình tổ, nhóm cùng sở thích, tổ hội nghề nghiệp, nông hội hoặc HTX để giúp nhau nâng cao hiệu quả sản xuất.
Giúp hộ nghèo phát triển sản xuất
Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi thỏ xã Nam Yang là một mô hình được đánh giá đạt hiệu quả cao. Ông Lê Kim Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Yang, cho hay: Người dân trong xã chăn nuôi thỏ từ cách đây hơn 10 năm nhưng chủ yếu để cung cấp thực phẩm cho gia đình. Ba năm vừa qua, giá hồ tiêu xuống thấp, người dân mới bắt đầu nuôi thỏ theo hướng kinh doanh. Vì thế, Hội Nông dân huyện và xã đã hướng dẫn các hộ thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi thỏ xã Nam Yang với sự tham gia của 11 hộ.
Còn theo ông Y djit, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đak Đoa: "Từ năm 2017 đến nay, Hội đã phối hợp vận động thành lập được 7 HTX, thành lập 11 tổ hợp tác và xây dựng 134 tổ hội nghề nghiệp nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, thoát nghèo bền vững".
Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số trong huyện có việc làm ổn định sau học nghề |
Ngoài ra, Hội Nông dân huyện cũng sẽ đề xuất cấp trên mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng hoạt động, điều hành của các tổ hội, chi hội nghề nghiệp cũng như các nông hội, HTX và liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Thời gian tới, các cấp ủy ở huyện Đak Đoa sẽ tiếp tục dành sự quan tâm thường xuyên đến công đoàn, hội, đội trong việc bồi dưỡng giáo dục, đào tạo nghề đối đối với thanh thiếu niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt quan tâm việc chỉ đạo giải quyết việc làm cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy.
Huyện cũng đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 50%, thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 là 65 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%.
Thanh Loan