Giai đoạn 2011- 2020, tỉnh đã bố trí gần 52 tỷ đồng để đào tạo nghề cho người lao động vùng nông thôn. Toàn tỉnh mở 495 lớp, đào tạo cho 17.243 người dân học nghề sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Nghề sản xuất nông nghiệp chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi, còn phi nông nghiệp phổ biến như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, may mặc, nấu ăn, điện dân dụng, sửa chữa máy móc…
Điểm sáng từ HTX
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, HTX Ngự Tùng (phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa) không chỉ tạo công ăn việc làm với mức thu nhập cao cho nhiều lao động địa phương mà còn là địa chỉ đào tạo nghề tin cậy cho nhiều thanh niên khác có cơ hội lập nghiệp.
Các HTX góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người dân. |
Thành lập từ năm 2009, đến nay, HTX đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc. Theo những người lao động tại đây cho biết trước khi vào làm việc cho HTX, họ đều là những lao động phổ thông, chưa có trình độ tay nghề. Thế nhưng, được HTX quan tâm, tạo điều kiện, trong quá trình vừa học vừa làm, họ đã trở thành những “hạt nhân” để duy trì sự phát triển của HTX.
Hiện nay, HTX không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho 11 lao động địa phương với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng mà lợi nhuận của đơn vị cũng ước đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mặt khác, HTX còn là nơi đào tạo nghề tin cậy cho những lao động muốn học nghề mộc. Những năm qua, hàng chục người khi tìm đến học nghề đã được HTX dạy nghề chu đáo, giờ đã trưởng thành tìm được việc làm ổn định ở nhiều xưởng mộc khác.
Cùng với Gia Nghĩa, huyện Đắk Hà cũng đang là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề. Hiện nay, nhiều HTX ở Đăk Hà đang đẩy mạnh việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này rất được địa phương coi trọng.
Điển hình như HTX Nông nghiệp và Sản xuất, Thương mại Sáu Nhung ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà đã xác định phát triển sản phẩm cà phê phải đảm bảo các tiêu chuẩn sạch và ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất.
Đến nay, trong số 300 ha do HTX quản lý sản xuất có 51 ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và HACCP.
Từ năm 2018 đến nay, nhờ áp dụng công nghệ nên HTX đã giảm chi phí đầu tư khoảng 30% so với trước, nâng lợi nhuận trên diện tích đang áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm.
Nâng chất đào tạo
Theo Sở Lao động, Thương binh - Xã hội tỉnh Đắk Nông, sau khi học nghề, người dân áp dụng kiến thức đã học nên tạo dựng được nghề nghiệp với tỷ lệ khá cao. Đối với lĩnh vực nghề nông nghiệp, số lượng người có việc làm ổn định đạt 72 - 82%, còn phi nông nghiệp đạt 65- 82%.
Hiệu quả công tác đào tạo nghề góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn. |
Trong tổng số hơn 17.200 người được đào tạo, tỷ lệ lao động nữ chiếm 40 - 47%. Đặc biệt, có khoảng 60% là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học nghề tại 15 trung tâm đào tạo tại 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Việc tập trung cho công tác đào tạo nghề tại vùng nông thôn đã góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại những vùng sâu, vùng xa. Người dân phát huy được khả năng nghề nghiệp của riêng mình để có thêm việc làm, thu nhập.
Để công tác đào tạo nghề được hiệu quả, thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức các lớp học tại các thôn (làng), tỉnh Đắk Nông đang xây dựng một số mô hình điểm để phục vụ công tác giảng dạy như: mô hình chăn nuôi heo sọc dưa, mô hình nuôi gà, mô hình trồng nấm...
Thời gian tới, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác đào tạo nghề, tỉnh dự kiến dành thêm các nguồn lực để mở các lớp đào tạo nghề chuyên sâu, giúp người lao động nâng cao kiến thức, áp dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật cao, tự tin phát triển sản xuất quy mô lớn.
Tỉnh cũng sẽ tăng cường hỗ trợ, phát huy vai trò của các HTX trong liên kết dạy nghề, tạo việc làm cho người dân, hướng tới những giá trị bền vững.
Hưng Nguyên