Để nâng cao hiệu của công tác đào tạo nghề, huyện tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề định kỳ hàng năm để xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất với các cấp quản lý phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu thực tế tại địa phương.
Hiệu quả tích cực
Theo thống kê, toàn huyện Yên Lập có trên 46.000 lao động trong độ tuổi lao động, trong đó, lao động nông nghiệp chiếm trên 72%, lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 14,7%, lao động thương mại dịch vụ 13,1%...
Được tập huấn kỹ thuật, nông dân tự tin phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. |
Nhờ đẩy mạnh công tác dạy nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện liên tục được nâng lên, từ chưa đầy 10% năm 2011 tăng lên xấp xỉ 60% vào năm 2020. Thông qua các lớp đào tạo, hầu hết các học viên đều có tay nghề khá, tự tin tìm việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Đối với lao động nông thôn, các lớp tập huấn giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào mô hình sản xuất của gia đình, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng đơn vị canh tác.
Đáng chú ý, thành công của công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Yên Lập có dấu ấn rõ nét từ các HTX, tổ hợp tác. Theo thống kê, toàn huyện đang có hơn 30 HTX hoạt động hiệu quả, trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, vệ sinh môi trường…
Điển hình như HTX nông nghiệp hữu cơ Sơn Thủy (xã Ngọc Đồng) tổ chức dạy nghề trồng nghệ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân tại 5 xã gồm Ngọc Đồng, Đồng Thịnh, Hưng Long, Thượng Long, Mỹ Lung.
Đại diện HTX Sơn Thủy cho biết đơn vị đang triển khai mô hình trồng nghệ trên diện tích hơn 6 ha. Đã có 3 đơn vị chuyên sản xuất dược liệu ký hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm với HTX trong 5 năm (2017 - 2021) trên diện tích 20 – 50 ha.
Hay như HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Long (xã Hưng Long), thành lập từ năm 2013, đang đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân địa phương.
Kể từ năm 2017 đến nay, HTX luôn duy trì sự phát triển ổn định, doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 50 thành viên và 35 lao động, mức lương trung bình đạt 3,5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Tiếp tục đẩy mạnh
Song song với việc đào tạo nghề và chuyển giao kỹ thuật, trong hơn 10 năm qua, huyện Yên Lập đã triển khai thực hiện 3 mô hình thí điểm: Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn cho 105 hộ tại các xã Hưng Long, Đồng Thịnh, Minh Hòa; Trồng lúa năng suất cao cho 35 hộ tại xã Xuân Thủy, trồng và nhân giống nấm cho 35 hộ tại xã Xuân An...
Công tác đào tạo nghề sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trên địa bàn huyện Yên Lập. |
Theo ghi nhận, các mô hình đều đang cho thấy hiệu quả tích cực, có thể nhân rộng, các hộ cơ bản áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào sản xuất, thu nhập của người lao động liên tục được cải thiện.
Đại diện UBND huyện Yên Lập cho biết trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của công tác đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, qua đó tạo điều kiện để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề.
Huyện cũng sẽ đẩy mạnh công tác khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của lao động nhằm đưa ra các phương án đào tạo hiệu quả. Phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện các mô hình thí điểm dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp gắn với việc làm, nâng cao năng suất, chuyển dịch cơ cấu lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng xã, thị trấn…
Hưng Nguyên