Trên nền tảng đang có, trong giai đoạn 2020 – 2025, huyện Ba Chẽ đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới bình quân hằng năm cho 550 lao động trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% (có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45%).
Dấu ấn từ HTX
Những năm qua, HTX Toàn Dân (xã Thanh Lâm) trở thành đơn vị góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo tại Ba Chẽ. Không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, HTX còn tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho không ít người dân địa phương.
Các HTX đang chú trọng đào tạo nghề lâm nghiệp cho thành viên để phát huy thế mạnh tại địa phương. |
Nhận thấy phát triển kinh tế lâm nghiệp là điều kiện thuận lợi trên địa bàn, HTX Toàn Dân đã chủ động định hướng, dạy nghề, nâng cao trình độ giúp thành viên, nông dân liên kết phát triển các loại cây dược liệu kết hợp trồng rừng lấy gỗ để giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.
Hiện tại, HTX Toàn Dân đang tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động, thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm thời vụ cho trên 200 lao động địa phương. Qua đó, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Tương tự, HTX kinh doanh dịch vụ lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ (xã Đồng Đạc) cũng đang là điểm sáng trong dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Anh Vũ Văn Minh, Giám đốc HTX, cho hay nhận thấy tiềm năng lớn về cây dược liệu tại địa phương, HTX đã tổ chức dạy nghề, giúp thành viên nắm vững quy trình sản xuất, chế biến, từ đó tạo ra những sản phẩm chủ lực như nấm lim xanh khô, rượu ba kích, măng mai, sâm cau…
Những kết quả thực tế cho thấy, các HTX trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, nâng cao giá trị nông sản, đồng thời thể hiện vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ, thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân.
Bên cạnh đó, các HTX cũng đang tích cực phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, để nâng cao trình độ cho các thành viên, thường xuyên tạo điều kiện để thành viên, người dân liên kết tham gia các khóa tập huấn về kỹ thuật canh tác, sơ chế sản phẩm, vận hành máy móc, thiết bị an toàn, hiệu quả…
Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo
Không chỉ riêng khu vực HTX, công tác đào tạo nghề cho thấy những chuyển biến tích cực ở hầu hết các ngành nghề nông thôn trên địa bàn huyện Ba Chẽ.
Các lớp dạy nghề sẽ là nền tảng vững vàng cho lao động nông thôn nâng cao thu nhập. |
Những năm gần đây, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, kết hợp với nghề trồng rừng truyền thống, đời sống kinh tế của bà con xã Thanh Sơn ngày càng khấm khá. Vì thế, nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa, trong đó có lắp mới hệ thống điện trong gia đình ngày càng tăng.
Nắm bắt được thực tế đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Chẽ đã phối hợp với UBND xã Thanh Sơn và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức lớp đào tạo nghề điện dân dụng tại thôn Khe Lọng Ngoài, với khoảng 20 học viên, trong đó 25% là nữ.
Anh Lý Văn Lợi, thôn Khe Lọng Ngoài, chia sẻ trước đây, thanh niên miền núi như anh thường chỉ biết đi làm rừng, đó là nghề duy nhất. Sau khi tham gia lớp học, có được cái nghề, anh có thể nhận lắp điện cho các công trình nhà dân trong thôn, trong xã để kiếm thêm thu nhập.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 9/2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại huyện Ba Chẽ đạt 65%, tạo việc làm mới cho 450 lao động. Huyện đã hoàn thành 6 lớp đào tạo nghề cho 120 lao động nông thôn.
Các chương trình đào tạo nghề đã thúc đẩy áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, giúp người lao động tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm mới, tăng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm (400-500 lao động/năm), từ đó nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, huyện dự kiến đẩy mạnh rà soát nhu cầu của người lao động, sau đó tổng hợp, xây dựng kế hoạch, phối hợp với các trung tâm dạy nghề của tỉnh, của huyện tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với nguyện vọng của người dân trên địa bàn.
Nhật Minh