Trong tháng 10/2020 vừa qua, Hội Nông dân xã Ia Boòng đã ra mắt Tổ hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm. Tổ hội nghề nghiệp này được thành lập nhằm tập hợp những hộ trồng dâu nuôi tằm để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ vay vốn, tham gia các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Triển vọng nghề trồng dâu nuôi tằm
Thời gian gần đây, nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Ia Boòng nói riêng và huyện Chư Prông khá phát triển. Nhiều hộ nông dân trong huyện nhờ tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm nên đã chuyển đổi diện tích đất sản xuất không hiệu quả sang lĩnh vực này. Hướng đi mới đang giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập khá cao.
Nhiều nông dân Chư Prông quan tâm học nghề trồng dâu nuôi tằm. |
Ông Lưu Hoài Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông cho biết, Trung tâm sẽ định hướng cho các địa phương chuyển đổi một phần diện tích cây hồ tiêu bị chết và các cây trồng không phù hợp sang trồng dâu nuôi tằm. Đây là một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã và đang triển khai.
Như trường hợp anh Nguyễn Văn Minh, ở tổ 1, thị trấn Chư Prông, 3 năm trước vườn hồ tiêu của nhà anh bị bệnh chết hàng loạt, trong khi giá cà phê xuống thấp, đời sống gia đình anh rất bấp bênh.
Với mong muốn tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, anh đã tham gia lớp học trồng dâu nuôi tằm và được Hội nông dân thị trấn Chư Prông cử đi thăm quan mô hình trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Sau đó, anh đã quyết định thuê 1ha đất ở địa phương để đầu tư trồng dâu, nuôi tằm rồi phát triển lên 2 ha. Đến nay, vườn dâu đã phát triển khá tốt.
Anh Minh chia sẻ: Thời gian nuôi từ khi nhập giống đến khi xuất bán là 15 ngày (tằm tuổi 4), lượng kén thu được từ 50 -55 kg, với giá bán kén hiện nay là 150.000 đồng/kg thì cho thu nhập từ 7,5 - 8,25 triệu đồng. Nếu trừ chi phí giống, công chăm sóc, mỗi thùng tằm nuôi có thu nhập khoảng 4 triệu đồng.
Nuôi tằm bình quân 15 ngày cho thu hoạch một lần, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ thu 50-55 kg kén/hộp giống. Với giá bán mỗi 140.000 đồng/kg kén, trừ chi phí, gia đình anh Minh thu về 14-20 triệu đồng/tháng.
Học hỏi theo anh Minh, nhiều nông dân ở thị trấn Chư Prông đã chuyển đổi đất hồ tiêu và cà phê sang trồng dâu nuôi tằm, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Một số thành viên HTX Nông nghiệp thị trấn Chư Prông cũng bắt đầu để tâm, học hỏi nghề này.
Dạy nghề ngay tại buôn làng
Ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc HTX Nông nghiệp thị trấn Chư Prông cho biết: Hiện nay, HTX có 220 thành viên. Những năm qua, người dân gặp nhiều khó khăn do giá một số mặt hàng nông sản giảm. Nhận thấy trồng dâu nuôi tằm là hướng đi đúng, HTX đã tổ chức cho bà con đi học tập kinh nghiệm và tham gia một số lớp tập huấn.
Tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề chăm sóc cây cà phê giúp cho người dân tộc thiểu số ở Chư Prông trồng cây cà phê có năng suất cao. |
Chư Prông là huyện biên giới, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, ngoài triển vọng nghề trồng dâu nuôi tằm đang được đẩy mạnh ở khâu tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, huyện đã và đang chú trọng đến việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nông dân có thêm nhiều kiến thức để áp dụng vào thực tế sản xuất.
Trong 5 năm trở lại đây, huyện Chư Prông đã có trên 2.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Trong đó, có những lớp dạy nghề được mở ngay tại các buôn làng tập trung đông lao động người dân tộc thiểu số.
Chẳng hạn với lớp dạy kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê, chị Rơh Chăm H’ Rêk, Làng Iat, xã Ia Boòng cho biết, trước kia gia đình chị trồng cà phê nhưng không biết cách chăm sóc nên cây phát triển rất chậm, ít trái.
Sau khi được học lớp dạy nghề trồng cà phê được mở ở buôn làng, chị Rơh Chăm H’ Rêk đã biết cách chăm sóc, cách bón phân, cắt cành, bẻ chồi nên vườn cây giờ đã tốt hơn, năng suất cũng cao hơn trước nhiều. Chị chia sẻ, bản thân rất vui từ hiệu quả của việc học nghề này.
Trên địa bàn huyện Chư Prông hiện có 17 HTX nông nghiệp. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để giúp các thành viên HTX và lao động địa phương có cơ hội tham gia vào các lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp nhằm ứng dụng vào thực tế sản xuất và nâng cao thu nhập.
Thanh Loan