Nam Định có nhiều thuận lợi để phát triển mô hình trồng nấm, điển hình như nguồn lao động dồi dào, nghề trồng nấm không đòi hỏi quá nhiều vốn đầu tư, đầu vào chủ yếu là rơm rạ, mùn cưa và công lao động (chiếm khoảng 70-80% giá thành sản phẩm), lại quay vòng vốn nhanh (20-30 ngày là có sản phẩm thu hoạch).
Ưu điểm vượt trội
Nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh Nam Định manh nha từ những năm 1990 nhưng bắt đầu phát triển mạnh kể từ sau những năm 2000 khi các địa phương đẩy mạnh chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả của mô hình, ngành nông nghiệp tỉnh đã đã tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất nấm phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng thời đẩy mạnh dạy nghề, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ cho người dân.
Nghề trồng nấm có nhiều thuận lợi để phát triển trên địa bàn tỉnh Nam Định. |
Kể từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã tổ chức dạy nghề, chuyển giao công nghệ trồng nấm cho hàng trăm hộ dân ở cả 10 huyện, thành phố.
Theo thống kê, lúc cao điểm, trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 hộ trồng nấm với sản lượng khoảng 500 tấn các loại, cho giá trị thu nhập hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn.
Đến nay, dù không có sự đột biến về số lượng, song các mô hình trồng nấm trên địa bàn tỉnh lại có chuyển biến mạnh về quy mô, với sự hình thành của nhiều HTX, tổ hợp tác.
Điển hình, HTX tiểu thủ công nghiệp Linh Phát, xã Hải Chính, huyện Hải Hậu được thành lập vào năm 2014, đang tổ chức dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho hàng chục hộ thành viên, người lao động.
Hiện, toàn bộ dây chuyền sản xuất của HTX được đồng bộ khép kín từ nhà chứa nguyên liệu, đến khu vực đóng bịch phôi giống nấm, buồng hấp thanh trùng, phòng sạch cấy phôi nấm, khu sản xuất, khu sấy, đóng gói nấm…
Lan tỏa mô hình
Anh Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Linh Phát, cho biết để đảm bảo hiệu quả sản xuất, HTX luôn chú trọng công tác đào tạo nâng cao tay nghề cho thành viên, người lao động.
Đơn cử, khi áp dụng cơ giới hóa, HTX chủ động tập huấn cho thành viên về cách sử dụng các loại máy móc như máy đóng phôi, buồng hấp, máy sấy… nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn.
Nghề trồng nấm sẽ tiếp tục được tỉnh đầu tư, phát triển trong thời gian tới. |
Nhờ được tập huấn, nắm vững kỹ thuật sản xuất, các thành viên HTX tự tin phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện, HTX đang tạo việc làm cho 25 lao động, chủ yếu là người dân địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với Linh Phát, HTX nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp cũng đang là một trong những điểm sáng về đào tạo nghề và phát triển sản xuất nấm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Được thành lập từ đầu năm 2014, đến nay HTX tạo việc làm ổn định với thu nhập cao cho 12 thành viên sản xuất nấm theo tiêu chuẩn VietGAP, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Giám đốc HTX Vũ Tuấn Hiệp cho hay không chỉ dạy nghề cho thành viên, HTX luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, dạy nghề cho những hộ có nhu cầu phát triển mô hình. Trong thời gian tới, HTX lên kế hoạch mở rộng diện tích và tìm đối tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở trong xã mà mở rộng ra cả các xã lân cận.
Rõ ràng, mô hình trồng nấm công nghệ cao đang cho thấy tiềm năng rất lớn trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao lại tận dụng được nguyên liệu sẵn có, góp phần bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Nghề trồng nấm cũng không tiềm ẩn nhiều rủi ro trừ trường hợp bão gió làm đổ lán trại…
Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh dự kiến đẩy mạnh hoạt động dạy nghề trồng nấm cho người dân tại các địa phương, không chỉ về kỹ thuật sản xuất mà còn nâng cao ý thức về sản xuất sạch, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao.
Tỉnh cũng sẽ dành các nguồn lực đầu tư, nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong công tác dạy nghề cho các hộ sản xuất, qua đó tăng cường tính liên kết, hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, mang lại giá trị cao và bền vững.
Văn Hiến