Thực hiện Cuộc vận động "Thanh niên lập thân, lập nghiệp", anh Chìu Vằn Hiếng thuộc bản Pạc Sủi, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà đã xây dựng thành công mô hình HTX sản xuất mây tre đan Quảng Sơn, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Hiệu quả nghề đan mây
Sau những nỗ lực không ngừng, xưởng sản xuất vòng mây của HTX Quảng Sơn hiện đã hoạt động ổn định, mỗi tháng cung cấp ra thị trường 4.200 - 5.000 vòng quả mây các loại, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 - 25 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ của địa phương và một số xã lân cận từ việc thu hái quả mây rừng.
Người lao động làm việc tại HTX sản xuất mây tre đan Quảng Sơn (Ảnh TL). |
Chị Chìu Thị Hương, thôn 3, xã Quảng Sơn cho biết: “Tôi là một trong những người đầu tiên vào làm việc tại HTX, thấy công việc rất phù hợp với sức khỏe và trình độ của mình. Tôi có thu nhập mỗi tháng 5 - 6 triệu đồng, và sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với công việc này”.
Thời gian qua, để đảm bảo cho xưởng sản xuất duy trì và hoạt động tốt, đơn vị luôn chủ động tiếp cận, kết nối với các doanh nghiệp để liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, các vòng mây được xuất bán sang thị trường Trung Quốc và Đài Loan. Hiện nay, HTX đang tiếp tục tìm kiếm các thị trường khác để đảm bảo ổn định cho đầu ra của vòng mây.
“Không có lợi nhuận tiền tỷ, nhưng quan trọng là HTX đang góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Với mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trên địa bàn xã, HTX sẽ tiếp tục mở rộng xưởng sản xuất và đầu tư kinh doanh thêm một số ngành nghề khác, các sản phẩm khác gắn với cây mây”, Giám đốc HTX Chìu Vằn Hiếng nhấn mạnh.
Được biết, huyện Hải Hà có 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 25% dân số địa phương. Cây mây nếp vốn là cây mọc hoang ở nhiều nơi trong huyện.
Từ năm 2006, dự án trồng 10 ha cây mây nếp được thực hiện ở các xã Quảng Đức, Quảng Sơn, Quảng Thành, Quảng Chính, Quảng Phong của huyện Hải Hà. Người trồng cây mây nếp được chính quyền địa phương hỗ trợ 70% đầu tư ban đầu như giống cây, phân bón... Đến nay, việc trồng mây nếp đã mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Đa dạng lĩnh vực đào tạo
Bên cạnh các ngành nghề nông nghiệp, trên địa bàn huyện Hải Hà có 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thu hút hàng ngàn lao động. Với lợi thế trên, huyện xác định đây là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông - lâm - ngư sang công nghiệp - xây dựng.
Huyện Hải Hà chủ trương đa dạng dạy nghề để giảm tỷ lệ lao động nông thôn nông nhàn sau các mùa vụ (Ảnh TL). |
Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn việc làm, định hướng cho người lao động trong độ tuổi lao động về nhu cầu tuyển dụng của các HTX, doanh nghiệp.
Theo đó, các lớp đào tạo nghề của huyện luôn bám sát nhu cầu của thị trường. Đối với các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng, các xã phát triển du lịch, huyện tập trung hướng vào các nghề chế biến món ăn, lái xe phục vụ khu du lịch, các dịch vụ, khu công nghiệp...
Với những người làm nông nghiệp, huyện định hướng cho họ tham gia các lớp như nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả, chăn nuôi...
Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Hải Hà, từ 2016 đến nay, huyện đã mở khoảng 30 lớp đào tạo, dạy nghề cho trên 1.000 lao động.
Các lớp học được giảng dạy theo quy định, chú trọng hoạt động thực hành, sáng tạo của người học; định hướng cho người lao động tham gia các HTX, tổ đội xây dựng, công nhân các khu công nghiệp, các công ty trong và ngoài huyện.
Qua các lớp dạy nghề, người lao động có tay nghề đã tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hoặc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất.
Cùng với công tác đào tạo nghề, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các HTX, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.
Trong các năm tới, huyện sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, đặc biệt là cho người lao động trong khu công nghiệp; đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mỹ Chí