Gần 6 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang được tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm, với hơn 340 lớp dạy nghề được tổ chức, gần 12.000 người tham gia, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Nhiều hộ sau khi học nghề đã tự tin mở rộng quy mô sản xuất, mang lại hiệu quả cao.
Kết quả ấn tượng
Kể từ năm 2013, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hải Dương là đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo nghề khi trực tiếp tổ chức 177 lớp nghề, cấp chứng chỉ cho 6.185 người, trong đó, có 51 lớp sơ cấp cho 1.785 người, 126 lớp đào tạo thường xuyên cho 4.400 người.
Các cấp Hội Nông dân tỉnh cũng phối hợp tổ chức 164 lớp dạy nghề cho 5.780 người. Các lớp dạy nghề được tiến hành trong 2-3 tháng, số lượng 35 - 40 người/lớp. Hoạt động dạy và học đi vào nề nếp, trang thiết bị được đầu tư, giúp chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao.
Sự đầu tư thích đáng cho công tác dạy và học đã và đang mang lại những kết quả ấn tượng sau quá trình đào tạo. Đến nay, đã có 38 tổ, nhóm liên kết nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được hỗ trợ thành lập sau khi các lớp dạy nghề kết thúc.
Các cơ quan đào tạo nghề của tỉnh cũng hỗ trợ thành lập 4 HTX, 292 tổ hợp tác, với 116 mô hình trồng trọt, 34 mô hình chăn nuôi, 115 mô hình thủy sản... Các HTX, tổ hợp tác, nhóm liên kết được hưởng các chính sách hỗ trợ thiết thực về vốn vay, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, vật tư, dịch vụ nông nghiệp.
Có thể kể đến hàng loạt cái tên điển hình như: Tổ hợp tác rau an toàn xã Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc), HTX thủy sản xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang), HTX nuôi cá lồng xã Nam Tân (huyện Nam Sách), HTX thủy sản Đồng Tâm (huyện Ninh Giang), HTX chăn nuôi gà đồi Bắc An (huyện Chí Linh…
Sau hơn 5 năm triển khai đào tạo nghề, gần 10.000 lao động nông thôn tỉnh Hải Dương đã được hỗ trợ việc làm |
Phát huy hiệu quả
Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả sau đào tạo nghề, Hội đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án, mô hình trình diễn giúp các hội viên, nông dân tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Cụ thể, Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp để cung ứng gần 10.000 tấn phân bón trả chậm (thời gian trả chậm từ 4-5 tháng), gần 2.000 tấn thức ăn chăn nuôi, thủy sản,… cho hội viên, nông dân.
Về vốn vay, hiện tại, 100% cơ sở Hội và chi Hội đã có quỹ hỗ trợ với số tiền trên 38,8 tỷ đồng, cho gần 6.000 lượt vay để phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã có điều kiện đầu tư vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Đối với các lớp học nghề may công nghiệp, sau khi được đào tạo, các học viên có kỹ năng tay nghề cao được Trung tâm Dạy nghề giới thiệu vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp với mức thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã giới thiệu việc làm cho gần 7.000 người vào làm việc tại các doanh nghiệp; tư vấn xuất khẩu lao động cho 1.755 người, xuất cảnh thành công 468 lao động đi các nước và vùng lãnh thổ Nhật Bản, Đài Loan, Slovakia, Nga, Trung Đông, Malaysia.
Rõ ràng, công tác dạy nghề và hoạt động hỗ trợ sau đào tạo của tỉnh Hải Dương đang cho thấy hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực để người lao động nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Sáu Ngạn