Sau gần 8 năm triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Nông đã trực tiếp tổ chức 22 lớp dạy nghề cho 579 học viên là hội viên, nông dân, phối hợp tổ chức 271 lớp dạy nghề cho 8.860 lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đẩy mạnh đào tạo
Đắk Nông cũng tổ chức thành công 3.222 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cấp hộ cho 160.797 cán bộ, hội viên, nông dân tại 8 huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Gần 1.000 khóa tập huấn, tư vấn phát triển kinh tế hợp tác cho 28.165 hội viên, nông dân được mở ra. Đến nay, chỉ riêng các chương trình dạy nghề của Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ xây dựng thành công 54 mô hình HTX, 112 mô hình tổ hợp tác hoạt động hiệu quả.
Ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, cho biết: “Để phát triển bền vững các cơ quan dạy nghề tỉnh đã chủ động phối hợp với ban, ngành địa phương để tổ chức tuyển sinh các lớp dạy nghề tại nơi cư trú của LĐNT, bảo đảm đúng đối tượng, đúng nhu cầu”.
Các hình thức đào tạo được đa dạng hóa, phổ biến như đào tạo sơ cấp nghề, dạy nghề theo yêu cầu của người dân, “cầm tay chỉ việc”. Địa điểm đào tạo cũng được thay đổi liên tục, bảo đảm nhu cầu học tập tại các xã, thôn, bản có hội viên, nông dân đăng ký học nghề.
Dựa trên những thế mạnh của địa phương, các ngành nghề đào tạo tại Đắk Nông tập trung vào lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y, tin học căn bản, kỹ thuật trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, hồ tiêu theo hướng bền vững.
Nhờ công tác đào tạo nghề bám sát nhu cầu, đúng đối tượng, trong hơn 8.800 LĐNT được đào tạo tại Đắk Nông, đã có hơn 6.900 lao động có việc làm sau khi học nghề.
Công tác đào tạo nghề tại Đắk Nông đang cho thấy kết quả tích cực |
Giải quyết việc làm
Giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu tạo việc làm mới và việc làm tăng thêm cho khoảng 54.000 người, trong đó việc làm trong nước là 53.460 người và ngoài nước là 540 người.
Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh phấn đấu có 3.800 người được đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của tiến trình phát triển tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn mới.
Để hiện thực hóa mục tiêu, sau các lớp đào tạo nghề, tỉnh chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, HTX để hỗ trợ vốn, vật tư, công nghệ…, giúp học viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
Điển hình, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành và các cấp Hội triển khai xây dựng 32 mô hình và hỗ trợ vật tư, cây, con giống như: Mít, sầu riêng, bơ, cá chình, cá tầm… cho 862 hội viên, nông dân tại 8 huyện, thị trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 4,6 tỷ đồng.
Hội cũng phối hợp với hàng loạt công ty, doanh nghiệp, HTX để cung ứng trên 3.700 tấn phân bón trả chậm các loại không tính lãi cho hội viên, nông dân; cung ứng 38 tấn thức ăn chăn nuôi, 140 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 34 máy nông nghiệp theo phương thức trả chậm cho hội viên, nông dân.
Sáu Ngạn