Sau học nghề, với kinh nghiệm vốn có, nhiều nông dân đã thay đổi nhận thức, thói quen sản xuất, mạnh dạn liên kết, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để phát triển mô hình kinh tế tại địa phương Các vùng chuyên canh được hình thành, tạo chuỗi liên kết, phát triển sản xuất an toàn, mở rộng thị trường, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Cú hích từ HTX
Sơn Động đang là huyện đi đầu của tỉnh Bắc Giang trong phát triển sản xuất cây dược liệu. Toàn huyện hiện có có 41ha cây dược liệu, với các giống hiệu quả cao như kim tiền thảo, ba kích, nghệ, ngải Đài Loan... được trồng nhiều ở các xã An Bá, Yên Định, Tuấn Đạo, Tuấn Mậu, Thanh Luận.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều HTX dược liệu trên địa bàn huyện được thành lập, liên kết người dân trong sản xuất, tìm kiếm thị trường. Việc bố trí kinh phí hàng năm hỗ trợ công tác đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của địa phương cũng được lãnh đạo địa phương đặc biệt chú trọng.
Nhiều HTX dược liệu tại Bắc Giang hoạt động hiệu quả |
Các HTX đã tham gia tích cực trong việc thực hiện công tác đào tạo nghề của cấp xã, bằng kiến thức được đào tạo và lòng nhiệt huyết, đội ngũ tri thức trẻ đã mạnh dạn trong việc đưa các mô hình kỹ thuật vào thực tế tại địa phương bước đầu đã có những hiệu quả thiết thực.
Có thể kể đến HTX nấm dược liệu Sơn Động, bắt đầu với 4.000 bịch nấm linh xanh từ năm 2015 đã mạn dạn đưa cán bộ HTX đi đào tạo. Đến nay, HTX đã có bước phát triển ổn định, thu hút 150 hộ thành viên, lợi nhuận bình quân đạt 400 triệu đồng/năm.
Ông Nông Văn Rót – Giám đốc HTX, chia sẻ: “Cho hiệu quả cao, nhưng trồng dược liệu đòi hỏi người sản xuất phải có tay nghề cao để làm chủ công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng. Vì vậy, công tác đào tạo nghề cho thành viên luôn được HTX đặc biệt quan tâm”.
Cái được lớn nhất từ chương trình hỗ trợ đào tạo nghề nhất là ở nhóm nghề nông nghiệp là thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Nhờ được trang bị kiến thức, LĐNT biết ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nhất là liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo thuận lợi khi tiêu thụ.
Từ góp vốn làm ăn chung, lại được hỗ trợ kiến thức nên nhiều hộ dân có của ăn của để, vươn lên làm giàu. Điển hình là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Trung Thịnh, thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa). Thành lập tháng 1-2018, đến nay HTX thu hút 24 thành viên tham gia.
Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc HTX cho biết: Địa phương có nghề trồng rau cải canh truyền thống nhưng do các hộ sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng ít lại chủ yếu phải tự mang đến các chợ bán. Có kiến thức qua các lớp dạy nghề ngắn hạn, lại liên kết với nhau, nhiều hộ đầu tư cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới tự động, làm khung lưới để rau không bị dập nát sau mưa.
Lao động nông thôn sau khi học nghề được làm việc tại HTX May công nghiệp Mai Đức, xã Hoàng Ninh (Việt Yên). |
Đẩy mạnh đào tạo nghề
Ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng: Trên thực tế, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT được đánh giá ở chất lượng đầu ra. “Sau học nghề, với kinh nghiệm vốn có, nhiều nông dân đã thay đổi thói quen sản xuất, mạnh dạn liên kết, áp dụng kiến thức vào chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế tại địa phương.
Với ngành nghề phi nông nghiệp, giải pháp then chốt vẫn là liên kết với DN, tổ chức dạy nghề theo đơn đặt hàng. Như vậy, sau ba tháng học nghề, lao động có việc làm với mức thu nhập ổn định”, ông Huấn nói.
Để hoàn thành mục tiêu, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất tập trung, tăng cường công tác đào tạo nghề để nâng cao trình độ, kỹ thuật cho các hộ sản xuất, người lao động, từ đó, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Xác định đào tạo nghề là khâu quan trọng, trong 3 năm qua, các địa phương và đơn vị chức năng tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hơn 100 lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học – công nghệ.
Các buổi trình diễn máy móc, tham quan mô hình điểm cũng được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho người dân tham gia, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
“Trong quá trình phát triển, vai trò của các HTX đặc biệt quan trọng, không chỉ tập trung sản xuất, nâng cao lợi nhuận, các HTX cũng đang làm tốt công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ, năng lực cho thành viên. Nhiều HTX còn tích cực dạy nghề, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị, người dân ở ngoài địa phương”, ông Trần Văn Tú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Bắc Giang) nhấn mạnh.
Bắc Hà