Mới đây, Liên minh HTX Hà Tĩnh đã khai mạc khóa tập huấn các chuyên đề nâng cao năng lực hoạt động cho 60 HTX nông nghiệp. Trong thời gian 5 ngày, học viên được truyền đạt các chuyên đề: Lập, quản lý dự án và giới thiệu một số mô hình HTX trên thế giới và Việt Nam; hướng dẫn hồ sơ, thủ tục các bước lập dự án vay vốn từ Quỹ hỗ trợ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX Hà Tĩnh; quản trị sản xuất và quản trị rủi ro trong HTX.
Dạy nghề trong bối cảnh mới
Tại khóa tập huấn, các học viên cũng thẳng thắn chia sẻ tình hình hoạt động của HTX trong thời gian qua, đặc biệt là những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trên cơ sở phân tích thực trạng, giảng viên Trường Bồi dưỡng cán bộ Liên minh HTX Việt Nam gợi mở những giải pháp gỡ khó, xác định tầm nhìn, mục tiêu, chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Đại diện một HTX chia sẻ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với giảng viên. |
Được biết, sau khi hoàn thành các chuyên đề, học viên sẽ được đi tham quan, học tập kinh nghiệm về mô hình chăn nuôi bò liên kết, chế biến cây ăn quả có múi... tại các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn của tỉnh Nghệ An.
Những nội dung và kinh nghiệm này là cơ sở quan trọng giúp các HTX nông nghiệp Hà Tĩnh chuyển biến tư duy, thay đổi cách làm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng nguồn thu. Qua đó, cũng giúp các HTX có thể dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tiếp cận các nguồn vốn vay, tạo điều kiện phát triển trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, việc tham gia vào các chương trình tập huấn, đào tạo nghề đã giúp nhiều lao động nông thôn tỉnh Hà Tĩnh vươn lên làm giàu, HTX khấm khá.
Vụ hè thu năm nay, HTX sản xuất rau và dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh) trồng dưa hấu giống Phú Điền, diện tích 11 ha. Mặc dù sau đại dịch COVID-19 việc khôi phục sản xuất gặp rất nhiều khó khăn nhưng các thành viên của HTX đã rất nỗ lực chăm bón tốt diện tích dưa hấu của mình nên đến thời điểm này vừa được mùa lại được giá, hơn nữa chất lượng dưa tốt hơn năm ngoái, rất được thị trường ưa chuộng.
Nhờ đầu tư đúng quy trình kỹ thuật nên dưa hấu của HTX phát triển tốt, đặc biệt là sâu bệnh ít nên cho quả to và đều. Dưa được mùa, người nông dân càng phấn khởi khi giá liên tục lên. Tưởng vụ dưa thất thu nhưng nay lại cho thu nhập khá, nỗi lo lúc mới xuống giống của người dân giờ đây đã được cởi bỏ.
Thành quả này có được nhờ các thành viên HTX đã thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, trao dồi kiến thức, kỹ năng phát triển canh tác dưa hấu theo tiêu chuẩn sạch.
Đổi mới công tác đào tạo
Sau 10 năm triển khai Đề án đào tạo lao động nông thôn, tỉnh Hà Tĩnh đã đào tạo được gần 64 nghìn lao động nông thôn, đào tạo xuất khẩu lao động, giáo dục định hướng từ 5.000 - 6.000 người/năm và thực hiện đào tạo nghề theo các dự án ODA, chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Người dân vui mừng vì vụ dưa hấu bội thu. |
Việc triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động và đội ngũ cán bộ các cấp về vai trò của định hướng, đào tạo nghề nghiệp trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực vào việc hoàn thành các tiêu chí, kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, tỉnh Hà Tĩnh cũng thừa nhận so với yêu cầu thực tế hiện nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: Cơ cấu ngành đào tạo chưa thật sự phù hợp với thị trường lao động, chương trình đào tạo, chất lượng, kỹ năng chưa đáp ứng được yêu cầu, một số lao động được đào tạo nghề nhưng vẫn chưa có được việc làm.
Vì vậy, bà Trương Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị cần nghiên cứu kỹ các chủ trương, chính sách của Trung ương, nhất là văn kiện sắp tới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII để tiếp cận với phương hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm thay đổi phù hợp trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm sau đào tạo.
Đặc biệt, làm rõ hơn các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thy Lê