Hà Đông đang là địa phương điển hình trong công tác đào tạo nghề |
Đại diện Phòng LĐ-TB&XH quận Hà Đông cho biết, Chỉ thị 19 và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg đang là tiền đề quan trọng tạo điều kiện cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện học nghề, tìm kiếm việc làm.
Đáp ứng nhu cầu
Nằm trong quá trình đô thị hóa, quá trình phát triển kinh tế của quận Hà Đông đi theo hướng mở rộng thương mại, dịch vụ và du lịch, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ phát triển đô thị ngày càng lớn, đang có những tác động không nhỏ đến lực lượng lao động nông thôn.
Để giải “bài toán” việc làm, đảm bảo đời sống cho người dân, Hà Đông là một trong những địa phương đầu tiên tại Hà Nội đi đầu trong công tác triển khai các lớp dạy nghề nông nghiệp, nông thôn.
Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH quận Hà Đông, đề án đào tạo nghề trên địa bàn đã được xây dựng và triển khai từ thời điểm năm 2010. Sau gần 9 năm triển khai, quận đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 10.000 người, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt tối thiểu 70%.
Công tác dạy nghề trên địa bàn quận đã và đang tiến triển tích cực. Kể từ năm 2016, bình quân mỗi năm, quận tổ chức 18 – 25 lớp dạy nghề, số lượng học viên đạt 600 – 1.500 người. Với các ngành nghề phi nông nghiệp như chế biến món ăn, kỹ thuật hàn, pha chế đồ uống, trang điểm…
“Các nghề phi nông nghiệp đang gây ấn tượng mạnh với các đơn vị tuyển dụng và trở thành cơ sở để người dân khởi nghiệp. Sau đào tạo, có khoảng 15% học viên được tuyển vào doanh nghiệp, HTX, 65 – 75% tự tạo việc làm như mở hàng ăn, trang điểm, ảnh viện… Mức thu nhập bình quân đạt 5 – 7 triệu đồng/người/tháng”, ông Nguyễn Hữu Tiến – Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Hà Đông, cho hay.
Với các nghề trong lĩnh vực nông nghiệp như trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn, trồng hoa, chăn nuôi… cũng đã thu hút hàng nghìn học viên tham gia. Nhờ công tác dạy nghề bám sát thực tế, người lao động đã áp dụng ngay những kiến thức học được vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, thu nhập trên diện tích canh tác, chăn nuôi.
Quận sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề |
Liên kết “bốn nhà”
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ công nghiệp hóa đến lao động nông thôn, quận Hà Đông đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó hình thành liên kết “bốn nhà” giữa người dân, địa phương, doanh nghiệp và HTX, nhà khoa học được chú trọng.
Ông Lê Việt Cường - Giám đốc CTCP Kym Việt, cho biết: “Chúng tôi bắt đầu tạo cơ hội cho lao động khuyết tật đã qua đào tạo từ năm 2015. Ngay trong năm đầu tiên đã có 19 lao động được tiếp nhận, đến nay, số lượng đã nhân lên hàng trăm người”.
Theo đánh giá của ông Cường, những lao động đã qua đào tạo đều thành thạo nghề, tích cực và chủ động trong công việc. Thời gian tới, để phục vụ nhu cầu sản xuất, những lao động đã qua các lớp đào tạo nếu có nhu cầu tìm việc, công ty vẫn sẽ mở cửa tiếp nhận.
Tương tự, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa) đã tổ chức dạy nghề, mở các lớp tập huấn kiến thức cho nông dân về sản xuất rau an toàn, cách sử dụng chế phẩm vi sinh, thuốc BVTV sinh học đúng liều lượng, thời gian cách ly…
Sau hơn 10 năm phát triển, đến nay, diện tích trồng rau, củ, quả an toàn của HTX đã tăng lên 50ha (trong đó có 11,7ha được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP), tạo việc làm cho hơn 300 hộ thành viên tham gia.
Nhiều hộ thành viên HTX sản xuất rau, củ trên diện tích 2-5 sào, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng/năm, như gia đình các ông Nguyễn Hữu Trung (tổ 16), Nguyễn Đình Quý, Nguyễn Đình Khánh (tổ 15)…
Được biết, để tiếp tục phát huy vai trò của HTX trong liên kết “bốn nhà”, mang lại lơị ích cho người lao động, quận đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật 14 ha phục vụ sản xuất rau an toàn tại HTX Hoà Bình (phường Yên Nghĩa) và HTX Biên Giang (phường Biên Giang); xây dựng được 2 nhà sơ chế rau, quả.
Quận cũng đang tăng cường hỗ trợ các HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp để xây dựng các mô hình sản xuất gắn với phát triển dịch vụ thông qua các mô hình trồng cam Canh, trồng hoa ly, trồng hoa đào, trồng nấm... Các mô hình trên bước đầu có hiệu quả, tạo việc làm và nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình.
Sáu Ngạn