Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai, cho biết: “Xác định tạo việc làm cho lao động nông thôn là mục tiêu trọng điểm, thời gian qua, huyện đã chú trọng liên kết, phối hợp với các địa phương, cơ sở đào tạo, phát huy vai trò của HTX, doanh nghiệp, để xây dựng mô hình dạy nghề hiệu quả cho người dân”.
Dấu ấn từ các HTX
Nhờ thực hiện tốt việc dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, huyện Thới Lai đã xây dựng thành công nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động bền vững, vừa đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động, vừa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và ứng dụng thực tế tại địa phương.
Điển hình như mô hình đan cần xé của HTX Quốc Noãn (xã Trường Thắng). Năm 2013, HTX Quốc Noãn thành lập và đi vào hoạt động với 22 thành viên, chuyên sản xuất, gia công thủ công mỹ nghệ; sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ tre, nứa, lục bình, dây nhựa.
Để nâng chất lượng nguồn lao động, Phòng LĐ-TB&XH huyện Thới Lai liên kết với Trường Trung cấp Nghề Thới Lai tổ chức 2 lớp nghề đan cần xé và giỏ hoa cho 70 lao động, cơ bản đáp ứng nguồn nhân công để gia công giỏ hoa các loại theo nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Nà – Giám đốc HTX Quốc Noãn, cho biết: “Nhờ các giải pháp đồng bộ, quy mô của HTX ngày càng lớn. Không chỉ giải quyết việc làm cho thành viên, người lao động thường xuyên, HTX đã và đang tổ chức dạy nghề cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương”.
HTX Phú Thọ (xã Trường Xuân) cũng đang duy trì hiệu quả các mô hình dạy nghề gắn với tạo việc làm tại địa phương. Hàng năm, HTX Phú Thọ liên kết với địa phương, doanh nghiệp, tham gia dạy nghề may gia công cho 70 – 150 lao động các xã, thị trấn.
Đại diện HTX Phú Thọ cho biết HTX đã từng bước ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động nữ. Từ khi thành lập đến nay, HTX chủ động tìm nguồn liên kết, hợp đồng may gia công cho các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân.
Hiện nay, thu nhập của lao động HTX dao động 2,5 – 4 triệu đồng/ tháng. Trên thực tế, HTX không ngại thiếu hàng hóa mà lo nguồn lao động không đủ đáp ứng yêu cầu số lượng các đơn hàng.
Trước đòi hỏi thực tế, HTX mong muốn được ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện để mở thêm một số lớp may gia dụng, giúp lao động làm quen quy trình may công đoạn, đáp ứng yêu cầu về trình độ ngày càng cao.
Sau gần 10 năm, Thới Lai đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 5.000 lao động nông thôn |
Lan tỏa thành công
Hiệu quả của quá trình liên kết giữa HTX, địa phương, doanh nghiệp và trường nghề giúp công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Thới Lai gặt hái nhiều thành công.
Qua 10 năm (2010 – 2019) triển khai đào tạo nghề, huyện Thới Lai đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị – xã hội và người lao động về mục đích, ý nghĩa và vai trò của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với sự phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Giai đoạn 5 năm 2010 – 2015, Thới Lai đã tổ chức khai giảng được 78 lớp, với tổng số 2.453 học viên, trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, với 19 ngành nghề gồm 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Giai đoạn 2016 – 2018 huyện Thới Lai đã tổ chức được 43 lớp, với tổng số 1.505 học viên…
6 tháng đầu năm 2019, Thới Lai đã khai giảng được 19 lớp với 665 học viên, trong đó nghề phi nông nghiệp 11 lớp và nông nghiệp là 8 lớp. Dự kiến đến cuối năm mở 20 lớp với số lượng 700 học viên và tỷ lệ giải quyết việc làm thấp nhất là 81,5%.
“Huyện sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề trên địa bàn huyện từ đó có hướng đề xuất nhu cầu học nghề phù hợp. Dự kiến năm 2020, huyện sẽ đào tạo nghề cho 1.400 lao động nông thôn. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 81,5%”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Sáu Ngạn