Kể từ cuối năm 2012 đến nay, sau khi tiếp nhận Đề án “Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh Thanh Hóa đã bắt tay xây dựng kế hoạch, chương trình dạy nghề cụ thể, đồng thời, liên kết với các sở, ngành liên quan để người lao động trên địa bàn có nhu cầu được tiếp cận ngành nghề cần đào tạo.
Lan tỏa mạnh mẽ
Quảng Xương là huyện đi đầu của tỉnh trong công tác ĐTN cho lao động nông thôn. Huyện đã tổ chức được 16 lớp dạy nghề cho 560 học viên, với các ngành nghề thế mạnh của địa phương như trồng nấm, sản xuất rau an toàn, nuôi tôm, cua, ngao, kỹ thuật sản xuất mạ khay, tàu cá...
Nhiều lao động sau khi học nghề xong đã vận dụng kiến thức, khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn, được các HTX, doanh nghiệp tiếp nhận với mức lương ổn định, hoặc tự thân khởi nghiệp, phát triển sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đơn cử, tại xã Quảng Lưu, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp sau khi tham gia tập huấn sản xuất rau an toàn đã chủ động mở rộng mô hình sản xuất, làm nhà lưới, vòm che, tăng diện tích trồng rau, củ, quả... Sản phẩm sau khi thu hoạch có chất lượng tốt nên bán rất chạy. Lao động tham gia sản xuất mô hình rau an toàn có thu nhập 3 - 4 triệu đồng/ người/tháng.
Tại huyện Thiệu Hóa, các mô hình điểm trong ĐTN cũng liên tục được thành lập, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình như công ty Mỳ Quảng (xã Thiệu Long), mỗi năm dạy nghề thủ công mỹ nghệ cho hàng trăm lao động nông thôn trong và ngoài huyện như Hoằng Hóa, Yên Định, Thọ Xuân…
Đặc biệt, 100% lao động sau học nghề được đơn vị tạo việc làm ngay tại địa phương. Hiện, công ty đang giải quyết việc làm cho trên 600 lao động thời vụ và 11 lao động thường xuyên, với thu nhập bình quân 2,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Phạm Thị Mỳ - đại diện công ty Mỳ Quảng, cho biết: “Để bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” để tổ chức 2 lớp/năm, công ty thường xuyên tự mở lớp để đào tạo, cho ra đời lực lượng lao động mới, trình độ cao”.
![]() |
Các mô hình ĐTN tỉnh Thanh Hóa đang tạo sức lan toản mạnh mẽ, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn |
Dạy nghề “trúng và đúng”
Cũng phát triển nghề mây tre đan, HTX Tân Thọ (xã Tân Thọ, huyện Nông Cống) được đánh giá là một trong những “điểm sáng” trong công tác ĐTN, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX đang tạo việc làm cho gần 300 lao động nông thôn với thu nhập bình quân 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm của HTX đang được nhập cho 4 công ty để xuất khẩu sang một số nước châu Âu.
Chị Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc HTX Tân Thọ, cho biết: “Để đáp ứng lượng đơn đặt hàng liên tục tăng, hàng năm, HTX tự đứng ra mở 2 - 3 lớp ĐTN cho người lao động. Ngoài ra, HTX còn đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án của huyện”.
Trong năm 2018, HTX Tân Thọ mở được 3 lớp dạy nghề theo cho lao động nông thôn và 9 tháng năm 2019 mở được 5 lớp (2 lớp dạy nghề cho người khuyết tật và 3 lớp dạy nghề cho lao động phổ thông).
“Trong thời gian 3 tháng học nghề người lao động vẫn được trả công nếu sản phẩm làm ra đạt yêu cầu. HTX đang hướng mạnh tới công tác dạy nghề cho lao động thuộc diện nghèo, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn”, Giám đốc Nguyễn Thị Thắm nhấn mạnh.
Để công tác ĐTN cho lao động nông thôn ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng lao động, tỉnh Thanh Hóa dự kiến tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, đồng thời, tổ chức dạy nghề phù hợp với quá trình phát triển sản xuất của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, HTX.
Sáu Ngạn