Bắt nhịp hội nhập, những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp để đáp ứng công tác quản lý của nhà trường, không phải chỉ trong giai đoạn dịch bệnh, mà cho lâu dài như một xu hướng mới trong tổ chức, quản lý đào tạo.
Xu hướng đào tạo tất yếu
Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Công tác đào tạo trực tuyến đang được nhiều trường nghề triển khai, cho hiệu quả tích cực. |
Để đối phó với tình hình dịch bệnh kéo dài, các trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến (online) đối với các nội dung, môn học, khuyến khích giáo viên nghiên cứu, xây dựng bài giảng điện tử, tổ chức các khóa học trên website của trường hoặc các trang mạng xã hội...
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), đã có trên 60% số trường trung cấp, cao đẳng nghề áp dụng một hoặc nhiều hình thức giảng dạy trực tuyến vào các nội dung đào tạo phù hợp, điển hình như ở các trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, Cao đẳng Kỹ nghệ II, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng…
Đặc biệt, nhiều trường đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp bao gồm việc học tập trực tuyến (e-learning), hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS – Learning Management System)… để đáp ứng công tác quản lý của nhà trường không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh mà cho lâu dài.
Nổi bật như Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1, Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, Cao đẳng Hàng hải 1, Cao đẳng Công nghiệp Huế, Cao đẳng nghề Đà Nẵng, Cao đẳng Công Thương miền Trung, Cao đẳng Lý Tự Trọng, Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Cao đẳng Y tế Đồng Tháp, Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc Cà Mau…
Dù đang có nhiều tín hiệu tích cực, song công tác đào tạo nghề trực tuyến tại không ít trường nghề còn gặp lúng túng. Như ở Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TP. HCM) hiện có quy mô đào tạo hơn 10.000 học sinh, sinh viên. Việc dạy học trực tuyến, giao bài và nhận bài qua hệ thống E-learning... là giải pháp được trường triển khai khá hiệu quả.
Khắc phục những điểm yếu
Tuy nhiên, theo sinh viên Vũ Thống Nhất, lớp Cao đẳng ô tô, Khoa Cơ khí ô tô của trường, việc học trực tuyến chỉ phù hợp với sinh viên không thuộc ngành kỹ thuật. Sinh viên ngành kỹ thuật gặp khó do học lý thuyết đến đâu sẽ thực hành đến đó. Trong khi học online chỉ học được lý thuyết, còn thực hành theo dõi qua video của các thầy làm mẫu. Do vậy, Nhất và các bạn không tự tin là sẽ thực hành tốt như khi được học tại xưởng.
Công tác dạy và học trực tuyến cũng còn nhiều khó khăn cần khắc phục. |
Ở góc độ nhà trường, Ths. Nguyễn Xuân Toán, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, trường hiện có 4.000 học sinh, sinh viên khối ngành kỹ thuật theo học với thời gian phân bố trong chương trình đào tạo gồm 30% lý thuyết và 70% thực hành.
Việc ứng dụng chuyển đổi số cho đối tượng này gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là tư duy chưa phù hợp của quản lý, giảng viên và người học. Tiếp đó, khối thực hành đòi hỏi phải trực tiếp tương tác giữa dạy và học, thực hành với máy móc nhiều hơn, do đó khi chuyển qua học trực tuyến, trường gặp không ít lúng túng.
Trong một hội thảo mới đây của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhiều đại diện trường nghề cũng thừa nhận còn nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện hình thức đào tạo trực tuyến.
Theo đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để triển khai đào tạo trực tuyến hiệu quả, cần làm rõ, cũng như thêm một số hướng dẫn và quy định cụ thể. Do đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo "cầm tay chỉ việc", gắn với thực hành, thực tập nên việc thực hiện đào tạo trực tuyến cần được nghiên cứu cẩn thận, mức độ triển khai đến đâu.
Bên cạnh thiết bị máy móc, công nghệ và hạ tầng công nghệ thông tin cần có, đào tạo trực tuyến cần nguồn tài nguyên, học liệu chuẩn cho người học. Ngoài ra, còn đòi hỏi trình độ tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, giảng viên cũng như học sinh, sinh viên khi tham gia đào tạo trực tuyến.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng theo ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, với sự quan tâm của các cấp ngành quản lý, coi giáo dục nghề nghiệp là nền tảng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, công tác đào tạo trự tuyến sẽ được “mở khóa” trong thời gian tới.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần nỗ lực chủ động xây dựng phương án đầu tư, sử dụng phần mềm triển khai đào tạo trực tuyến trên cơ sở văn bản hướng dẫn, đảm bảo thực hiện đạt chất lượng…
Lệ Chi