Sau 10 năm triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện hỗ trợ đào tạo cho hơn 22 nghìn lao động nông thôn học nghề nông nghiệp. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh lên hơn 70% năm 2022.
Thu nhập tăng nhờ học nghề
Thực tế cho thấy, Bắc Giang là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp, việc đưa ngành nghề đào tạo phù hợp với bà con có ý nghĩa thiết thực, là một trong những giải pháp góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi.
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, các đơn vị được giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện công tác đào tạo nghề ngay từ khi bắt đầu đã khảo sát lựa chọn ngành nghề phù hợp với địa phương, đồng thời có kế hoạch tuyển sinh tại các địa phương một cách cụ thể.
Đặc biệt, để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa tiếp cận được kiến thức về sản xuất nông nghiệp, các đơn vị được giao đào tạo nghề đã chủ động lựa chọn ngành nghề phù hợp, thực hiện tốt công tác tuyển sinh, tổ chức dạy nghề tận nhà, đưa hình thức dạy nghề sinh động, gần gũi với người dân thay bằng người dân phải tìm đến lớp học như trước kia.
Điển hình như ở huyện Sơn Động – địa phương đi đầu của tỉnh Bắc Giang trong phát triển sản xuất cây dược liệu. Toàn huyện hiện có có 41ha cây dược liệu, với các giống hiệu quả cao như kim tiền thảo, ba kích, nghệ, ngải Đài Loan... được trồng nhiều ở các xã An Bá, Yên Định, Tuấn Đạo, Tuấn Mậu, Thanh Luận.
Dạy nghề gắn với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là hướng đi hiệu quả. |
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều HTX dược liệu trên địa bàn huyện được thành lập, liên kết người dân trong sản xuất, tìm kiếm thị trường. Việc bố trí kinh phí hàng năm hỗ trợ công tác đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của địa phương cũng được lãnh đạo địa phương đặc biệt chú trọng.
Các HTX đã tham gia tích cực trong việc thực hiện công tác đào tạo nghề của cấp xã, bằng kiến thức được đào tạo và lòng nhiệt huyết, đội ngũ tri thức trẻ đã mạnh dạn trong việc đưa các mô hình kỹ thuật vào thực tế tại địa phương bước đầu đã có những hiệu quả thiết thực.
Có thể kể đến HTX nấm dược liệu Sơn Động, bắt đầu với 4.000 bịch nấm linh xanh từ năm 2015 đã mạnh dạn đưa cán bộ HTX đi đào tạo. Đến nay, HTX đã có bước phát triển ổn định, thu hút 150 hộ thành viên, lợi nhuận bình quân đạt 400 triệu đồng/năm.
Ông Nông Văn Rót, Giám đốc HTX chia sẻ: “Cho hiệu quả cao, nhưng trồng dược liệu đòi hỏi người sản xuất phải có tay nghề cao để làm chủ công nghệ, tạo ra những sản phẩm chất lượng. Vì vậy, công tác đào tạo nghề cho thành viên luôn được HTX đặc biệt quan tâm”.
Đa dạng ngành nghề đào tạo
Việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cũng đang giúp người nông dân trên địa bàn xã Xuân Long (Đồng Xuân, Phú Yên) nắm vững kỹ thuật, phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất mới, thích ứng biến động thị trường, nâng cao thu nhập.
Bà Trần Thị Liên, xã Xuân Long, cho biết vào năm 2018, bà cùng gần 20 người trong xã được tạo điều kiện tham gia lớp học trồng nấm do huyện tổ chức. Nhờ chương trình học dễ hiểu, được thấy thực tế các công đoạn cấy meo, làm phôi, chăm sóc nấm, mọi thắc mắc được giáo viên giải đáp, hướng dẫn ngay nên bà có thể dễ dàng tiếp thu.
Sau thời gian tham gia khóa học, nắm vững kiến thức cơ bản, bà Liên đã quyết định đầu tư cải tạo lại mái hiên dưới nhà để trồng 2.500 phôi nấm sò. Bình quân mỗi vụ nấm kéo dài khoảng 3,5 tháng, cho sản lượng khoảng 650 kg, thu nhập hàng chục triệu đồng.
Đáng chú ý, xã Xuân Long cũng đang rất tích cực phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nông dân. Các HTX hoạt động hiệu quả còn giúp xã đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp…
Điển hình, trên địa bàn xã hiện có HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Long đang tạo việc làm, ổn định thu nhập cho hơn 650 thành viên, hộ liên kết, xác định cây sắn là sản phẩm chủ lực của xã với diện tích 80ha.
Công tác đào tạo nghề trên địa bàn xã Xuân Long không chỉ có tác động tích cực đến lĩnh vực trồng trọt, mà còn góp phần hình thành nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả cao, như nuôi bò sinh sản, bò 3B, nuôi heo rừng lai, nuôi dê…
Theo lãnh đạo xã Xuân Long, thời gian qua, xã đã tích cực phối hợp với Trung tâm Dạy nghề của huyện tổ chức các lớp học ngay tại địa phương. Bên cạnh các nghề nông nghiệp, người dân trong xã còn được học các nghề phi nông nghiệp như may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, điện dân dụng, cơ khí hàn,...
Nhờ công tác đào tạo nghề miễn phí, hoặc được hỗ trợ một phần học phí mà người dân tham gia theo học đông. Kết thúc khóa đào tạo, đa phần người học đã có thêm việc làm, tăng thu nhập. Đặc biệt, nhiều người đã liên kết thành lập, tham gia các HTX, tổ hợp tác, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, giá trị cao.
Với thành công đang có, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy nghề theo hướng đa dạng ngành nghề từ trồng trọt, chăn nuôi đến các nghề tiểu thủ công nghiệp. Xã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 70% trong 5 năm tới.
Minh Khôi