Sau khi tham gia lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm do xã Trực Tuấn phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức, anh Trần Văn Duy đã mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi dê thịt.
Đào tào nghề gắn với nhu cầu
Theo anh Duy, nuôi dê nhanh thu hồi vốn so với các loại vật nuôi khác, nhưng đặc tính của dê là mẫn cảm với thời tiết và thường bị bệnh phổi.
Nông dân mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. |
"Trước đây, khi chưa được học các kỹ thuật chăm sóc, đàn dê tăng cân chậm và hay ốm vặt. Đến nay, đàn dê của tôi duy trì ổn định với số lượng 50 con. Ước tính thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí đạt từ 70 -100 triệu đồng/năm”, anh nói.
Trên cơ sở Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của huyện, hàng năm UBND xã xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động. Năm 2019, xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm với 30 học viên tham gia, tổ chức học vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật trong 3 tháng. Nhiều học viên đã áp dụng thành công các kiến thức khóa học vào thực tế sản xuất.
Điều đặc biệt ở các chương trình dạy nghề của xã là trước khi tổ chức các lớp đào tạo nghề, xã tiến hành khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp.
Đồng thời, Trực Tuấn là xã thuần nông, người dân chủ yếu trồng lúa, rau màu, chăn nuôi và nuôi thủy sản, vì vậy, một mặt UBND xã tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, xã phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề của huyện, tỉnh mở các lớp đào tạo ngắn hạn một số ngành nghề khác như: kỹ thuật sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ mộc gia dụng, cơ khí, may công nghiệp.
Bên cạnh đó, xã chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tranh thủ các chương trình, phong trào của cấp trên tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hội viên, đoàn viên.
HTX cùng tham gia đào tạo nghề
Cùng với các lớp học do xã phối hợp với các đơn vị dạy nghề tổ chức, các HTX, doanh nghiệp ở xã Trực Tuấn đã phối hợp tổ chức lớp dạy nghề cho lao động địa phương.
Người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp. |
Năm 2019, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trực Tuấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề (Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định) tổ chức lớp kỹ thuật gieo sạ lúa cho 30 học viên.
Trong quá trình mở các lớp đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và đều tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định.
Người lao động học nghề nông nghiệp đã tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhờ đẩy mạnh các chương trình, đến nay xã Trực Tuấn đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Từ năm 2015 đến nay, xã đã có trên 1.000 lao động được đào tạo, dạy nghề; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều giảm còn 1,26% (giảm 1,13% so với năm 2018), thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt 52 triệu đồng/người.
Thời gian tới, xã Trực Tuấn cho biết sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề. Tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp.
Đáng chú ý, các chương trình đào tạo nghề sẽ tăng cường phối hợp với HTX, các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ, nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương, qua đó tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thy Lê