Chị Lê Thị Lợi, xã Bình Ngọc, Tp Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) là một trong 7 hộ gia đình nông dân tham gia đề án phát triển du lịch cộng đồng tại xã trong những năm qua.
Cơ hội được học nghề
Ngoài việc trồng rau xanh, sạch, đẹp để thu hút du khách khi đến với làng rau Ngọc Lãng thì chị Lợi lại chưa có những kỹ năng mềm trong pha chế đồ uống phục vụ du khách theo yêu cầu khi họ đến tham quan tại gia đình.
Do đó, khi tham gia lớp học nghề danh lao động nông thôn được mở tại xã Bình Ngọc đã mang ý nghĩa lớn đối với bản thân chị nói riêng và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng của làng rau Ngọc Lãng nói chung.
Tp Tuy Hoà chú trọng mở các lớp dạy nghề cho các phụ nữ nông thôn |
Lớp học nghề này với khoảng 90 học viên cho 3 lớp học, người lao động tại địa phương được trang bị những kiến thức, lẫn kỹ năng để phát huy được những lợi thế của bản thân sau khi tham gia các lớp học nghề nông thôn.
Hiện nay các địa phương trong tỉnh Phú Yên ngay từ ở cấp xã đang rất chú trọng vào đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở dạy nghề, trong đó Trung ương quản lý 2 cơ sở; địa phương quản lý 20 cơ sở.
Các cơ sở này được Trung ương và địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề, cơ bản đã từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn và nông dân.
Nhiều nghề được lựa chọn đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân trong tỉnh Phú Yên, phát huy hiệu quả sản xuất, gắn đào tạo nghề với quy hoạch, dự án phát triển sản xuất tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Từ những lớp dạy nghề cho lao động nông thôn như ở xã Bình Ngọc, nói lên được hiệu quả của công tác đào tạo nghề hiện nay. Minh chứng rõ nhất đã giúp người lao động có cơ hội được học nghề, tự tạo việc làm, nâng cao mức sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Trong khu vực kinh tế tập thể ở khu vực miền núi của tỉnh Phú Yên hiện nay cũng chú trọng vào việc đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định và nâng thu nhập cho nông dân, không chỉ phát triển về số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên đáng kể.
Nhất là một số HTX ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Đơn cử như HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (BB Farm) ở huyện Sơn Hòa, đang hoạt động khá hiệu quả, có doanh thu cao, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Cần được khuyến khích và lan toả
Ông Phạm Thọ Trường, Giám đốc HTX BB Farm, cho biết: Từ 900 triệu đồng vốn hoạt động ban đầu, nay HTX đã có 6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động, với thu nhập ổn định 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. HTX phấn đấu đạt mức tiêu thụ 60 tấn rau/năm, nâng mức thu nhập của người lao động lên 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các địa phương khảo sát thật kỹ các đối tượng học nghề là nông dân và dạy nghề theo nhu cầu để mở lớp mang lại hiệu quả cao.
Hồi năm rồi, Trung tâm này đã tổ chức chiêu sinh và đào tạo 6 lớp nghề về chăn nuôi phòng trị bệnh trên trâu bò cho 171 hội viên tại các xã: Sơn Hội, Krông Pa, Cà Lúi (huyện Sơn Hòa), Sông Hinh, Ea Bar (huyện Sông Hinh).
Cần khuyến khích việc linh động mở rộng đào tạo nghề cho nông dân |
Còn trong thời gian tới, Trung tâm sẽ bố trí thời gian học nghề phù hợp, tránh tình trạng thời gian đào tạo nghề trúng vào mùa vụ; hướng dẫn học viên thành lập các tổ liên kết hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế hộ gia đình; tiếp cận các nguồn vốn vay, xây dựng thương hiệu và liên kết chuỗi sản xuất…
Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, cho biết việc mở rộng đào tạo nghề theo “đặt hàng” của các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và nhu cầu học nghề của người dân cần được khuyến khích.
Nhất là chú trọng đào tạo cho đối tượng bị thu hồi đất ở các địa phương có các công trình trọng điểm phục vụ quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình đào tạo, chương trình, hình thức, phương thức cũng như phương pháp truyền đạt cần linh hoạt sao cho phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất.
“Cụ thể dạy vào ban đêm thay vì ban ngày, dạy vào lúc thời vụ nông nhàn, dạy theo hình thức “cầm tay chỉ việc”… Mặt khác, công tác đào tạo nghề lao động nông thôn phải có hướng tiếp cận linh động, thiết thực thì chất lượng chắc chắn sẽ nâng cao”, ông Dũng nói.
Thanh Loan