Thời gian qua, tham gia các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) đã phát triển nghề được học, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Điểm sáng ở huyện Cư M’gar
Những năm gần đây huyện đã đặc biệt quan tâm đến công tác này, trong đó chú trọng đào tạo nghề cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, lao động nữ bị mất việc và đồng bào dân tộc thiểu số…
Nhiều thanh niên dân tộc thiểu s ở huyện Cư M’gar đã tự tạo việc làm bền vững sau khi học nghề |
Đến nay Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư M’gar đã phối hợp tổ chức được 59 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 1.947 học viên tham gia, trong đó có 1.510 học viên là người dân tộc thiểu số. Hầu hết các lớp nghề được mở tại nhà sinh hoạt cộng đồng ở các xã, thị trấn.
Sau khi hoàn thành các lớp học nghề, các học viên đều có việc làm, trong đó có khoảng 44% học viên tự tạo việc làm, 56% số học viên làm nghề cũ nhưng có năng suất lao động cao hơn…
Đặc biệt, đối với các lớp nghề nông nghiệp, sau khi học xong học viên đã biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản suất. Nhiều lao động nông thôn đã có thu nhập ổn định sau khi tham gia các lớp đào tạo dạy nghề…
Điển hình phải kể đến các lao động nữ ở xã Ea Tul đã khởi nghiệp từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Hai năm trước, sau khi được đào tạo nghề dệt thổ cẩm do địa phương tổ chức và được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cư M’gar tạo điều kiện cho vay 35 triệu đồng từ Quỹ Khởi nghiệp để mua nguyên vật liệu, 11 lao động nữ ở xã Ea Tul đã mạnh dạn thành lập Tổ hợp tác Liên kết sản phẩm thổ cẩm, với các sản phẩm thêu, dệt truyền thống của đồng bào Êđê như: Áo váy nam, nữ, túi xách, ví, khăn…
Chỉ tính riêng chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm tỉnh Đắk Lắk hồi năm ngoái đã giải quyết việc làm cho 9.370 lao động dân tộc thiểu số, triển khai 71 lớp đào tạo nghề cho 2.471 lao động nông thôn học viên thuộc đối tượng dân tộc…
Phát huy nghề nghiệp được đào tạo
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã trao cho nhiều người chiếc “cần câu” để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.
Đơn cử như em H’Trinh Niê (xã Ea Ral, huyện Ea H’leo), gia đình thuộc diện khó khăn nên sau khi học xong lớp 12, em đăng ký vào lớp học nghề chăm sóc da do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện mở miễn phí. Sau hơn 3 tháng học nghề, em xin được việc làm ở một cơ sở làm đẹp trên địa bàn huyện với mức lương khá ổn định 4 triệu đồng/tháng.
Hoặc như ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột thì việc đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộ, TP. Buôn Ma Thuột quan tâm, chú trọng với nhiều lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm, may công nghiệp, chăn nuôi thú y, xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng nấm cho hàng trăm học viên.
Như chị H’Tuyết Êban (buôn Tơng Jú) sau khi học nghề dệt thổ cẩm miễn phí cho chị em phụ nữ liên kết với Hợp tác xã (HTX) dệt thổ cẩm Tơng Bông nhận đơn hàng về dệt tại nhà để có thêm thu nhập.
Không riêng chị H’Tuyết, có nhiều chị em trong buôn sau khi tham gia các lớp học may, dệt thổ cẩm cũng được HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông nhận vào làm, đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động nữ.
Huyện Cư M’gar chú trọng đào tạo nghề truyền thống cho lao động nữ là đồng bào dân tộc thiểu số |
Có thể nói, chính sách đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk là một trong những giải pháp căn cơ, thiết thực nhằm khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động, tạo việc làm bền vững cho lao động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Khi tham gia các lớp dạy nghề, người lao động được tiếp cận rất nhiều nghề phi nông nghiệp như nghề may, sửa chữa máy nông nghiệp, xây dựng, nấu ăn… để tìm kiếm cho mình những cơ hội việc làm ổn định, phát triển kinh tế.
Thanh Loan