Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2010 - 2020 huyện Đông Sơn đã phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương đào tạo cho 1.721 lao động nông thôn, trong đó 1.582 lao động có việc làm sau đào tạo.
Đào tạo sát thực tế
Qua từng thời kỳ, quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đông Sơn ngày càng tăng, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên, hình thức và phương pháp đào tạo ngày càng đa dạng theo hướng gắn với nhu cầu người học, đòi hỏi của HTX, doanh nghiệp.
Công tác dạy nghề hiệu quả giúp nông dân Đông Sơn nâng cao trình độ, tự tin khởi nghiệp (Ảnh TL). |
Kết quả, đội ngũ lao động sau khi học nghề hầu hết đều vận dụng tốt kiến thức được học để áp dụng vào các hoạt động sản xuất, trồng trọt, hoặc được nhận vào làm việc ở các HTX, công ty trên địa bàn huyện.
Điển hình, đối với nghề phi nông nghiệp, sau đào tạo có 90% lao động có việc làm, cung ứng nguồn lao động có tay nghề may cho các công ty như May Phú Anh (xã Đông Khê), In Kyung Vina (xã Đông Ninh), May Phương Xinh (xã Đông Nam)… Mức thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Đối với nghề nông nghiệp, đa số học viên sau khi học nghề đã áp dụng những kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào sản xuất, tự tạo việc làm, phát triển kinh tế trang trại, nâng cao thu nhập, với mức thu nhập bình quân đạt 48 triệu đồng/người/năm.
Đáng chú ý, công tác dạy nghề, tạo việc làm trên địa bàn huyện Đông Sơn còn có dấu ấn đậm nét của các đơn vị kinh tế hợp tác, HTX. Điển hình, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Sơn đã chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở hội thành lập nhiều mô hình do phụ nữ làm chủ.
Tiêu biểu như HTX sản xuất và tiêu thụ nấm ăn do phụ nữ làm lãnh đạo ở xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn được thành lập năm 2014 với 18 thành viên, đến nay đã tăng lên 35 thành viên.
Tham gia HTX, các thành viên được Hội phụ nữ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng nấm, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư lò sấy để sản xuất nấm với quy mô tập trung. Hiện nay, mỗi hộ đều duy trì từ 4 - 5 vạn bịch nấm và mộc nhĩ.
Ngoài HTX sản xuất nấm Đông Hòa, phụ nữ huyện Đông Sơn có thêm hai Tổ liên kết sản xuất nấm ăn tại các xã Đông Tiến, Đông Văn. Các HTX, tổ liên kết trồng nấm đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, chị em chủ động hơn về kinh tế, tự tin, mạnh dạn đầu tư làm ăn, góp phần thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương.
Hóa giải những rào cản
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trên thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Đông Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác dạy nghề nông thôn. Số lượng HTX, doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo và sau đào tạo còn ít.
Huyện sẽ tiếp tục khắc phục tồn tại, phát huy những thế mạnh trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Ảnh TL). |
Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cũng chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ dạy nghề, chưa gắn kết hiệu quả với HTX, doanh nghiệp, chậm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo...
Đặc biệt, rào cản lớn nhất hiện nay trong công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện đó là lực lượng lao động nông thôn chưa thực sự “mặn mà” với việc học nghề, lập nghiệp. Các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt chủ yếu vẫn dựa theo kinh nghiệm truyền thống.
Ông Phạm Đình Điện, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Sơn, cho biết để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng với xu hướng phát triển hiện nay, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình dạy nghề đạt hiệu quả, dạy nghề cho lao động gắn với tạo việc làm.
Trong đó, huyện sẽ rà soát, nắm bắt nhu cầu học nghề, nhu cầu về nguồn lao động của doanh nghiệp, thực trạng nguồn lao động của địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát với tình hình thực tế... Phấn đấu hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, có 500 lao động nông thôn được học nghề nông nghiệp và 1.400 lao động nông thôn được đào tạo nghề phi nông nghiệp.
Hoài An